Hầu hết cổ phiếu ngành ngân hàng hôm thứ Hai (17/8) đều mang sắc đỏ, đặc biệt cổ phiếu EIB của Ngân hàng Eximbank đã giảm sàn. Đây là lần đầu tiên sau 6 tháng cổ phiếu này tụt dốc mạnh như vậy. Tin đồn liên quan đến việc Eximbank bị kiểm soát đặc biệt và ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank, bị bắt được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Trong cùng ngày thị trường cũng xuất hiện tin đồn ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) bị bắt. Chưa rõ động cơ đằng sau là gì nhưng những tin đồn này có thể gây xáo trộn thị trường tài chính, gây hoang mang dư luận.
CEO bị bắt, bỏ trốn
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những tin đồn thất thiệt liên quan đến việc Tổng Giám đốc các ngân hàng. Còn nhớ tháng 10/2003, nhiều khách hàng đã kéo đến rút tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) sau khi nghe tin đồn ông Phạm Văn Thiệt, Tổng Giám đốc ACB đã bỏ trốn.
Vài ngày sau, ông Phạm Văn Thiệt đã xuất hiện và trực tiếp trả lời khách hàng tại trụ sở giao dịch chính ở TP.HCM nhằm bác bỏ tin đồn thất thiệt này. Xuất hiện cùng ông Thiệt còn có ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB và ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Đức Thúy khi đó cũng đã có mặt để giải tỏa những lo lắng của người gửi tiền tại Ngân hàng ACB.

Năm 2012, sau sự kiện bầu Kiên bị bắt, hàng loạt tin đồn ác ý liên quan đến các lãnh đạo ngân hàng khác trong đó có ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank. Trong một sự kiện của Sacombank, ông Trầm Bê xuất hiện và phát biểu rằng những tin đồn về ông đều là tin không chính xác. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh TPHCM khi đó xác nhận rằng ông Trầm Bê đã cùng HĐQT và Ban Điều hành Sacombank thực hiện tốt vai trò quản trị điều hành và không bỏ rơi vị trí.

Đến tháng 2/2013, thị trường tài chính, tiền tệ lại được phen chao đảo với tin Chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà bị bắt. Thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ đã bị ảnh hưởng xấu. Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VN Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%; còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỉ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch.
Bớt bồn chồn, đừng mặc kệ
Một ngày sau khi xuất hiện tin đồn, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank đã lên tiếng để bác bỏ những tin đồn thất thiệt này. Ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank khẳng định, đó là tin đồn ác ý và không có cơ sở.

Còn trong phỏng vấn trả lời một tờ báo lớn ngày 17/8, Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cho biết: “Tôi đang ở ngân hàng và trao đổi với cán bộ công nhân viên DongA Bank những việc cần làm cho ngày mai.” Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng khẳng định không có chuyện ông Lê Hùng Dũng bị bắt và ông Trần Phương Bình vẫn đang chỉ đạo các công việc tại DongA Bank.
Tin đồn ác ý không chỉ gây thiệt hại lớn về uy tín của người đứng đầu công ty, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng DN mà có khả năng làm xáo trộn đời sống kinh tế xã hội. Trong trường hợp này các DN cần phải làm gì đển ngăn chặn và xử lý tin đồn?
Việc đầu tiên DN cần đánh giá nhanh những ảnh hưởng của tin đồn. Tuyệt đối không bao giờ coi nhẹ hoặc có thái độ phớt lờ trước các tin đồn ác ý. Với sự phát triển nhanh chóng của internet và mạng xã hội như hiện nay một tin đồn có thể được lan truyền với tốc độ ánh sáng tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người chỉ trong một vài ngày.
Sau khi đánh giá mức độ ảnh hưởng, DN cần có phản ứng nhanh chóng như thành lập nhóm công tác xử lý thông tin, xác định các tình huống có thể xảy ra và hành động kịp thời. Tùy thuộc vào mức độ, người đứng đầu DN có thể xuất hiện trước công chúng, bác bỏ các tin đồn sai lệch và cung cấp thông tin công khai cho khách hàng, cơ quan chức năng, báo chí… DN cần liên tục theo dõi diễn biến trên thị trường và duy trì liên lạc thường xuyên với các nhóm đối tượng mục tiêu của mình.
Việc sử dụng uy tín của bên thứ ba là cần thiết nhằm khôi phục lòng tin của khách hàng nói riêng và công chúng nói chung. Trong trường hợp của Ngân hàng ACB, Sacombank hay Eximbank, đại diện của NHNN đều xuất hiện và có những phát biểu trên các phương tiện truyền thông lớn để trấn an tâm lý khách hàng.
DN cũng có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan công an điều tra và xử lý những người tung tin đồn. Đối với các các hành vi thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng, Nhà nước đã có khá nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thông tin điện tử trên internet. Gần đây nhất là Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông.
Trong nhiều trường hợp, tin đồn có thể xuất phát từ chính trong công ty bởi một vài cá nhân. Do đó, DN cũng cần phải quan tâm đến việc kiểm soát thông tin từ ngay trong nội bộ để đảm bảo các thông tin luôn thông suốt và minh bạch.
Khuất Quang Hưng