Xử lý khủng hoảng: Cách xử lý tin đồn, cáo buộc và tấn công có tổ chức (P1)

Trong báo chí thường có câu “Bad news is news” (Tạm dịch là: tin xấu mới là tin). Các “tin tốt” thường được cho là quảng cáo, hoặc một dạng bài viết quảng cáo. Một doanh nghiệp (DN) làm ăn tốt quanh năm thì thường chẳng được mấy ai quan tâm hoặc ca ngợi. Những việc này hay được cho là điều “hiển nhiên” và nếu DN đó muốn “pitch” (cung cấp) thông tin cho báo chí thì trong đa số trường hợp là DN sẽ phải bỏ chi phí.

Một thực tế là trên thế giới này không có gì được gọi là hoàn hảo. Một DN tử tế làm ăn cả năm chẳng may để xảy ra vấn đề gì không hay thì ngay lập tức sẽ trở thành tâm điểm của truyền thông và tuy thuộc vào mức độ của vấn đề, giới truyền thông sẽ nhảy vào đưa tin “miễn phí”. Không thể trách các cơ quan báo chí vì đó mới chính là bản chất của truyền thông.

Đối với các DN, thách thức lớn nhất trong truyền thông thường là làm thế nào để xử lý tin xấu. Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc dẫn đến tin xấu không phải là điều tồi tệ nhất. Tin đồn ác ý, scandal được dàn sếp, vu cáo có tổ chức, và đặc biệt là các chiến dịch truyền thông với mục tiêu là bôi nhọ và làm giảm uy tín DN mới thực sự là những mối đe dọa chết người vì mức độ phức tạp và khó kiểm soát của nó.

Nhà máy bị cháy, nhân viên đình công, DN làm ăn thua lỗ là những điều bạn có thể đọc trên báo hàng ngày và ở một khía cạnh nào đó có thể lý giải được. Ví dụ do nhà máy không tuân thủ công tác phòng cháy chữa cháy, nhân viên đình công đòi giảm giờ làm, tăng tiền lương, DN thua lỗ vì đầu tư dàn trải, sai lĩnh vực… Tuy nhiên những thông tin kiểu như chủ DN ôm tiền bỏ trốn, ngân hàng sắp phá sản, DN bán hàng lậu, hàng rởm… có khả năng đẩy DN đến bờ vực phá sản chỉ trong vài ngày. Một số trường hợp đã xảy ra trong thực tế như khủng hoảng truyền thông tại ngân hàng ACB bắt nguồn từ tin đồn (2003), tin đồn ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng BIDV bị bắt (2/2012), tin đồn ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch công ty Masan bị tạm giam (8/2012), thông tin công ty bia Huế (Huda) bị bán cho Trung Quốc (6/2013)…

Khi DN đối mặt với các tin đồn, vu cáo hoặc chiến dịch truyền thông có tổ chức nhằm bôi nhọ danh tiếng thì điều đó đồng nghĩa với một tin rất xấu: DN đang là tâm điểm của một cuộc tấn công và điều này không xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Tại sao các tin đồn, vu cáo lại có tốc độ lây lan chóng mặt và có thể gây ra hậu quả nặng nề cho DN? Trước hết DN nên tìm hiểu tại sao công chúng lại hay nhớ và truyền khẩu các tin đồn. Một phần là do bộ óc con người được lập trình để nhớ những thông tin quan trọng nhất họ thu thập được. Bộ óc không có đủ chỗ để chứa các thông tin chi tiết, những tin tốt, những quảng cáo mỹ miều… mà họ được cung cấp hàng ngày. Tuy nhiên tất cả những thông tin có ảnh hưởng đến cuộc sống, thu nhập, sự an toàn… của họ thì sẽ được ghi nhớ. Liệu bạn có bỏ qua các thông tin kiểu như “Tất cả rau sạch bán trong siêu thị đều không có nguồn gốc?” hoặc “Nguồn nước sinh hoạt tại Hà Nội bị nhiễm độc kim loại nặng”… Bạn có thể đọc hàng trăm thông tin kiểu như “DN X cung cấp sản phẩm rau an toàn ra thị trường”, “Thiết bị lọc nước của DN Y được tặng thưởng giải Sao Khuê”… nhưng liệu bạn sẽ nhớ được bao nhiêu tin kiểu đó?

Đối với các chiến dịch truyền thông có tổ chức nhằm bôi nhọ danh tiếng thì mức độ phức tạp còn cao hơn rất nhiều. Đặc tính của các chiến dịch kiểu này là nó được tổ chức chặt chẽ, bài bản, do những người “có nghề” đạo diễn và bao gồm các thông tin gây ảnh hưởng mạnh đến công chúng ví dụ liên quan đến tiền bạc, sự an toàn, sức khỏe, và thậm chí là tính mạng. Trong các chiến dịch kiểu này, các thông tin thật giả được sử dụng, đan xen lẫn lộn nhằm đánh lạc hướng và gây hiểu nhầm cho công chúng.

Vậy làm thể nào để đối phó và xử lý các tin đồn, vu cáo hoặc những cuộc tấn công có chủ ý?

Phần 2: Cách xử lý tin đồn

Đăng ký nhận bài viết mới

Đánh giá bài

Ý kiến của bạn