Sau hàng loạt hình ảnh không được đẹp mắt của một số diễn viên tham gia tiết mục múa trên chuyến bay trở về của đội U23 Việt Nam, Vietjet Air đã có lời xin lỗi U23 Việt Nam và người hâm mộ.
Trước đó, các hình ảnh chụp trong chuyến bay trên được đăng tải trên mạng xã hội và báo chí, khiến dư luận bức xúc. Những hình ảnh cho thấy trên chuyến bay đó có một số người mẫu mặc trang phục “thiếu vải” chụp ảnh cùng huấn luyện viên và một số cầu thủ với tư thế thiếu nghiêm túc.
Một làn sóng phẫn nỗ, thậm chí là yêu cầu tẩy chay hãng hàng không này đã xuất hiện trên mạng xã hội. Nhiều người bày tỏ quan điểm cá nhân, trong đó có các nghệ sỹ trong lĩnh vực giải trí Việt cho rằng, những hình ảnh phản cảm xuất hiện trên chuyến bay trong một ngày đặc biệt là thiếu tôn trọng công chúng. Thậm chí sự việc này còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia và tình cảm người hâm mộ dành cho đội tuyển U23 Việt Nam.
Một số người cho rằng scandal này là có chủ ý do VietJet Air tạo ra. Cá nhân tôi thấy đây hoàn toàn là một lỗi rất rất đáng tiếc của VietJet trong cả chuỗi sự kiện này. Có thể nói lỗi này gần như xóa hết mọi nỗ lực của hãng trong việc dành được cơ hội đưa đội U23 về Việt Nam.
Đối với câu hỏi liệu VietJet Air có gặp khủng hoảng truyền thông hay không, tôi khẳng định rằng hình ảnh của họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, tôi không nghĩ họ sẽ gặp bất kỳ cuộc khủng hoảng nào vì scandal này.
Tôi có bày tỏ một vài quan điểm cá nhân xung quanh vấn đề này trên Facebook cá nhân như sau:
- Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng. Quan trọng là bắt được chuột! Newsfeed bây giờ tràn ngập hình ảnh, thương hiệu và các thảo luận về VietJet Air.
- Thực tế là thị phần của VietJet Air đang là số 1. Theo Báo cáo Tổng quan về Tổng công ty Hàng không Việt Nam – 6 tháng đầu năm 2017 của HSC, thị phần của VietJet Air tính đến 6/2017 là 43%, vượt hãng Hàng Không Việt Nam là 1%.
- Dịch vụ vận chuyển có thể được coi như một loại hàng hóa/dịch vụ thiết yếu. Điều đó có nghĩa là dù thích hay không thích thì khách hàng vẫn phải di chuyển bằng đường hàng không. Cũng vì là hàng hóa/dịch vụ thiết yếu nên không có nhiều sự lựa chọn thay thế. Do vậy, họ có thể mất đi một số lượng khách hàng nhất định hoặc hình ảnh có thể bị ảnh hưởng chút ít sau sự cố PR. Tuy nhiên điều đó không tác động lớn đến sales vì họ sẽ có lượng khách hàng khác bù đắp.
- Tâm lý người tiêu dùng đa số là: Chửi vẫn chửi nhưng rẻ vẫn mua!
Câu chuyện này cũng có một số nét tương tự câu chuyện của United Airlines xảy ra tháng 3 năm 2017 mà tôi đã đề cập trong một bài viết trước đây.
Nói tóm lại, sự cố “người mẫu mặc bikini trên chuyến bay đón U23 Việt Nam” có thể khiến công chúng tức giận và gây ầm ĩ trong vài hôm. Tuy nhiên, câu chuyện rồi cũng sẽ đâu vào đó.
Chẳng qua cũng chỉ là một “hòn đá ném ao bèo” mà thôi.
Khuất Quang Hưng
Nguồn ảnh: Báo Dân Trí