Mấy hôm nay báo chí, mạng xã hội bàn luận nhiều về dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen. Nói thật, chuyện về dự án này tôi cũng chẳng quan tâm nhiều.
Nếu bạn dành thời gian đọc một chút thì cũng có thể đoán biết số phận của dự án này ra sao rồi. Thông tin đó nằm trên mặt báo và lồ lộ qua miệng của những bên có liên quan.
Giờ tôi không nói chuyện thép mà nói chuyện tiền.
Nhân việc mấy anh em thân quen gần đây có trao đổi về việc làm thế nào các tổ chức phi chính phủ có thể gây quỹ, kêu gọi doanh nghiệp (DN) đóng góp nguồn lực tham gia các dự án, nhất là các dự án về môi trường.
Việt Nam là xứ đang phát triển. Vì vậy vấn đề môi trường là vấn đề rất nóng. Cân đối hài hòa giữa môi trường và phát triển là vấn đề không hề dễ.
Nói đến chuyện đó rồi nghĩ đến câu chuyện phá rừng nguyên sinh hay câu chuyện xả thải ra sông, ra biển mà rầu lòng.
Với vài năm làm cho mấy tổ chức phi chính phủ, nhà tài trợ cũng như làm DN, tôi có vài suy nghĩ muốn chia sẻ thế này:
1. Quan niệm về các vấn đề phát triển đối với các tổ chức phi chính phủ và các DN ở Việt Nam vẫn còn trong tình trạng “Ngưu lang – Chức nữ” lắm. Ngoài một số ý ít các tập đoàn đa quốc gia có lịch sử hoạt động lâu đời thực sự quan tâm đến vấn đề này và đưa nó vào chiến lược phát triển bền vững, đa số DN đều không mặn mà gì vì cho rằng đó là những chi phí không đem lại hiệu quả. Đối với DN cứ nói thẳng tuột luôn: “Tôi bỏ X đồng ra thì tôi được cái gì?”
2. Đối với nhiều DN trong nước, họ nghĩ một cách đơn giản là là hàng năm DN tôi vẫn tổ chức quyên góp từ thiện, đi tặng quà cho trẻ mồ côi, hay đi xây trường/xây cầu. Vậy là được rồi!
Một số DN khác thì còn chẳng có khái niệm đúng thế nào là trách nhiệm xã hội. Cứ cuối năm họ tham gia vài chương trình vận động dành cho người nghèo, hò hét trong phiên đấu giá được truyền hình trực tiếp, đóng dăm chục triệu vào quỹ nọ quỹ kia là xong. Hoặc thậm chí đóng góp rất hoành tráng nhưng chủ yếu để làm màu hình ảnh và nuôi quan hệ.
3. Đối với các tổ chức phi chính phủ, tình thế bây giờ khác xa với 15 năm trước rồi. Từ những năm 2008, khi Việt Nam bước vào ngưỡng cửa nước có thu nhập trung bình thấp, các nhà tài trợ cũng đã dần thay đổi chiến lược viện trợ ODA. Thay vì tập trung vào các dự án lớn về y tế, giáo dục, môi trường… thì họ đã dịch chuyển các khoản viện trợ sang các dự án hỗ trợ hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng và cải cách hành chính. Do đó, ngân sách dành cho các mục tiêu hợp tác phát triển và tiền tài trợ cho các dự án các tổ chức phi chính phủ cũng không còn được như ngày xưa.
4. Xu thế hợp nhất và “localization” (nội địa hóa) của các tổ chức phi chính phủ diễn ra mạnh mẽ. Nhiều tổ chức lớn có tiếng tăm ngày xưa bây giờ cũng đã do người Việt quản lý. Một số tổ chức nhỏ hơn thì thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa. Sức ép đối với các tổ chức này là làm sao có thể duy trì nguồn tài chính đủ để tiếp tục sứ mệnh và thực hiện hoạt động tại Việt Nam giờ cũng đã trở nên rất nặng nề.
Quay lại chủ đề chính là tiền.
Nếu sự nhận thức đối với các vấn đề phát triển khác nhau như vậy, làm thế nào để các tổ chức phi chính phủ có thể tìm được và quan trọng là tiến tới “đính ước” với DN?
Thực tế thì tổ chức phi chính phủ cũng hoạt động không khác gì lắm so với DN. Họ cũng có tôn chỉ, mục tiêu, dự án, các sản phẩm dịch vụ và cũng phải cạnh tranh. Nhiều tổ chức từ lâu đã có riêng một bộ phận gây quỹ và xây dựng chương trình hợp tác với DN.
Điểm khác là nếu DN tạo ra giá trị cho cổ đông thì tổ chức phi chính phủ lại tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội, và môi trường.
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các DN đã niêm yết trên sàn chứng khoán, đã có những chiến lược phát triển bền vững rất rõ ràng. Họ hiểu rằng chỉ có đi theo hướng phát triển bền vững thì DN mới có thể thành công.
Phát triển bền vững ở đây không phải là làm từ thiện, cũng không phải là trách nhiệm xã hội đơn thuần mà đó là cách tiếp cận tạo ra giá trị chung cho tất cả các bên tham gia bao gồm người lao động, chủ DN, cộng đồng, môi trường và xã hội. Phát triển bền vững cũng đồng thời là một bài toán chi phí/lợi nhuận.
Điều quan trọng đối với một tổ chức phi chính phủ là làm thể nào để đưa ra một đề xuất đủ sức thuyệt phục các DN tham gia và cùng nhìn về một hướng.
Để làm được điều này, các tổ chức phi chính phủ cần phải suy nghĩ như các DN. Có nghĩa là các tổ chức này cần hiểu về môi trường kinh doanh, các ngành quan trọng, chiến lược phát triển và ưu tiên của các DN.
Thêm vào đó, các tổ chức phi chính phủ cũng cần thực hiện công tác đánh giá, sàng lọc, làm “due diligence” để xác định đúng DN mà mình cần hợp tác. Từ đó thiết kế các chiến lược tiếp cận phù hợp để lôi kéo sự tham gia của DN. Nên nhớ, có nhiều trường hợp DN tham gia với các tổ chức phi chính phủ chỉ để “làm xanh” thương hiệu của bản thân.
Từ năm 2010, Việt Nam là một trong 11 nước trên thế giới thử nghiệm mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong nông nghiệp, với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng 20 tập đoàn hàng đầu trên thế giới. Cho đến nay, 6 nhóm PPP về chè, trái cây và rau quả, hàng hóa, cá, cà phê và tín dụng đều hoạt động hiệu quả và được quốc tế đánh giá cao.
Hình thức đầu tư mới PPP có ý nghĩa quan trọng tận dụng được nguồn lực, công nghệ, quản lý và thị trường của các tập đoàn đa quốc gia, thông qua cách tiếp cận mới Đối tác công-tư là để huy động tốt nguồn lực của tư nhân và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.
Phối hợp với cơ quản quản lý nhà nước, DN trong một mô hình PPP hoặc hợp tác trực tiếp với DN trong các chương trình được thiết kế chuyên biệt là những hướng tiếp cận nhiều tổ chức phi chính phủ đã và đang thực hiện.
Các cụ có câu: “Cái khó ló cái khôn”.
Tôi cho rằng nếu giữ cách nghĩ kiểu “phi chính phủ” truyền thống thì khó có nguồn lực để đầu tư cho các hoạt động lắm. Cứ phải mạnh dạn, quyết liệt và tư duy theo kiểu của DN thì mới tồn tại và phát triển được.
Khuất Quang Hưng