Nước Pháp đang trải qua những ngày đau thương. Rất nhiều sự sẻ chia đều đang hướng về nước Pháp để bày tỏ tình đoàn kết và sự cảm thông với các nạn nhân của loạt vụ khủng bố nghiêm trọng hôm thứ 6 ngày 13/11.
Ngay sau khi vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại thủ đô Paris, những tin tức đầu tiên đã nhanh chóng xuất hiện và tràn ngập mạng xã hội như Facebook, Twitter hay Instagram. Thông tin trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam về sự kiện này cũng liên tục được cập nhật.
Tiếc thay một số thông tin được chia sẻ là không chính xác hoặc thậm chí sai hoàn toàn!
Điển hình trong số đó phải kể đến trang tin Doanh nghiệp Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Trong bài viết “Cả thế giới cầu nguyện cho Paris sau vụ đánh bom khủng bố” đăng ngày 14/11 trang tin đã sử dụng một loạt ảnh minh họa. Tuy nhiên, 9 trong tổng số 12 ảnh bài sử dụng đều không phải là ảnh có liên quan đến vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11.
Cụ thể 7 ảnh đầu tiên là ảnh người Pháp xuống đường tuần hành biểu thị tinh thần đoàn kết sau vụ các tay súng khủng bố tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo từ hồi đầu năm. Bức ảnh đầu tiên với chú thích “Ngay lúc này, đã có hàng trăm người tập trung trước nhà hát Bataclan để cập nhật tin tức cũng như thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ của nước Pháp trong lúc hoạn nạn”
Thực ra đây là bức ảnh được các báo khác sử dụng từ tháng 1/2015. Cũng tương tự với các ảnh số 2 đến số 7, đó đều là những bức ảnh được chụp sau khi xảy ra vụ khủng bố tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo.
Trong bức ảnh số 3, tác giả bài viết còn chú thích “Những cây bút cũng được giương cao để thể hiện sự ủng hộ”. Không hiểu vụ khủng bố thứ 6 tuần qua thì có liên quan gì đến việc giương cao bút để ủng hộ??? Sự thật là bức ảnh này cũng được lấy từ sự kiện Charlie Hebdo!
Tệ hơn là trong bức ảnh số 7, tác giả bài viết này còn chú thích “Thảm họa “Je Suis Charlie” năm nào cũng được nhắc lại sau vụ khủng bố ngày hôm nay”. Đây có thể gọi là cách làm báo cẩu thả và tùy tiện!
Mỉa mai thay những bức ảnh và chú thích này cũng xuất hiện trên một số trang tin khác.
Một chi tiết nữa đó là vào thời điểm bài viết được đăng (trưa ngày 14/11 theo giờ Việt Nam tức là đêm ngày 13/11 theo giờ Pháp) thì tháp Eiffel không tắt đèn để tưởng niệm các nạn nhân xấu số mà chỉ tắt đèn theo giờ hoạt động định kỳ là lúc 1 giờ sáng.
Đến ngày 14/11 (theo giờ Pháp), bà Anne Hidalgo, Thị trưởng thành phố Paris, mới ra quyết định để tháp Eiffel tắt đèn. Bức ảnh tháp Eiffel được sử dụng trong bài cũng là ảnh đã được dùng hồi tháng 1/2015 khi Paris tưởng niệm các nạn nhân vụ tạp chí Charlie Hebdo bị tấn công.
Nhằm biểu thị tinh thần đoàn kết sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris hôm 13/11, nhiều công trình nổi tiếng khắp thế giới đã được thắp sáng với sắc xanh, trắng và đỏ – màu cờ Pháp. Một trong số công trình được nói tới nhiều là tòa nhà Empire State.
Tuy nhiên sự thật là tòa nhà này không thay đổi màu đèn trong ngày 14/11 mà tắt đèn để bày tỏ đồng cảm với Paris. Việc thay đổi màu đèn chiếu sáng sang màu cờ Pháp thực ra đã được làm trước đó 2 ngày trong Ngày Cựu Binh. Bạn có thế tham khảo lịch chiếu đèn của tòa nhà này trong những ngày qua và những ngày tới ngay trên website chính thức của tòa nhà Empire State.
Rất nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài cũng bị nhầm lẫn về vấn đề này nên dẫn đến việc báo chí trong nước đưa lại thông tin cũng mắc phải sai sót tương tự. Điển hình như Thể thao Văn hóa, Kênh 14…
Trong thời đại công nghệ số, báo chí truyền thống đang đứng trước thách thức của việc chạy đua đưa tin nhanh và đa dạng hơn các mạng xã hội. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là “bịa” ra thông tin hoặc đăng những thông tin chưa được kiểm chứng.
Dân gian có câu “Nói phét ăn tiền”. Nhưng với những thông tin như kiểu trang tin Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa về vụ khủng bố Paris hôm 13/11 thì có ngày “Nói phét ăn …mứt” đấy!
Khuất Quang Hưng
Feature image via