Mấy ngày nay báo chí nói nhiều về việc Sabeco “lách thuế” và nhân tiện đọc được bài “Kết luận Sabeco ‘lách thuế’ là áp đặt” nên tôi có chút “bồi hồi” nhớ lại vụ thuế của Metro.
Cách đây 8 tháng, thông tin việc Metro chuyển nhượng cho đối tác Thái Lan được công bố đã thu hút sự quan tâm lớn của báo chí và dư luận. Có cơ quan báo chí “nhiệt tình” chạy luôn một loạt bài nhiều kỳ nói về sự “ma mãnh” của Metro qua việc chuyển nhượng và kết luận Metro “trốn thuế” với hàng loạt tình tiết được thực hiện theo công nghệ “copy & paste” thần thánh từ rất nhiều bài báo đã đưa từ 1-2 năm trước.
Không một câu hỏi, không một email hay bất kỳ cuộc gọi nào được báo này thực hiện để lấy hoặc kiểm chứng thông tin từ Metro. Cách làm kiểu “thay trời hành đạo” xuất phát từ phòng máy lạnh lúc đó đã làm tôi thực sự… lạnh gáy.
Nhiều người trong nghề báo hồi đó cũng đã nhận xét cách là nội dung những bài báo đó chẳng có gì mới, không có phát hiện hoặc điều tra gì thêm nhưng cách giật tít thì quả thật là bá đạo (còn tôi thì cho đó là cách làm vô đạo). Các bài báo này sau đó đã khiến tôi ngạc nhiên hơn vì nó còn giật được cả giải báo chí!
Về vụ việc của Sabeco, mặc dù tranh luận về kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Kiểm toán Nhà nước đối với Sabeco là đúng hay sai cho đến nay vẫn còn chưa ngã ngũ nhưng có một số báo đã lớn tiếng “bênh vực” cho Sabeco và cho rằng kết luận của Kiểm toán là không thỏa đáng, là áp đặt.
Cá nhân tôi cho rằng “lách luật” hay “né luật” không phải là những hành động tiêu cực vì bản chất nó chỉ là cách thức hành xử khôn ngoan, hợp pháp của DN để giảm bớt khó khăn và đem lại lợi ích nhiều hơn cho DN. Về mặt lý thì không có gì sai và tất nhiên việc này cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan và đa chiều.

Có một vài điểm trùng hợp là tỷ phú Thái Lan mua Metro cũng là người đặt vấn đề mua cổ phần của Sabeco. Cả Metro và Sabeco đều bị thanh tra thuế và đều bị đề nghị truy thu thuế. Nhưng có một điểm khác là Metro bị một số phương tiện truyền thông quy kết là “lách luật” và trốn thuế thậm chí vài năm trước khi Tổng Cục thuế có quyết định thanh tra việc chấp hành thuế, còn Sabeco thì đang được cho là “nạn nhân” của quy trình xây dựng chính sách và ban hành văn bản pháp luật.
Cùng một vấn đề nhưng có 2 cách nhìn đối lập nhau. Liệu điều đó có phải là vì Metro là DN 100% vốn nước ngoài còn Sabeco có tới gần 90% vốn nhà nước nên dẫn tới có sự ưu ái và thiên vị?
Mấu chốt ở đây thực ra vẫn là hệ thống pháp luật hiện nay của chúng ta còn nhiều điều chưa rõ ràng, dẫn đến việc có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau. Chính vì vậy mới xảy ra việc DN vẫn làm cả chục năm mà thanh tra và thuế vụ vẫn không có kiến cho đến một ngày đẹp trời thì… hỡi ôi!
Đối với các cơ quan báo chí, tôi thấy thay vì đi làm việc của một “quan tòa”, tức là đưa ra kết luận về việc làm đúng hay sai pháp luật của DN, thì nên chăng tập trung vào đúng chức năng cơ bản của mình là thông tin tuyên truyền, phát hiện vấn đề hay góp phần phản biện xã hội. Những kết luận thiếu bằng chứng và không khách quan, đặc biệt là việc quy chụp sẽ tạo ra những dư luận không đúng, gây ảnh hưởng đến DN và môi trường kinh doanh.
Tôi chợt nhớ đến câu ca dao của ông bà ta vẫn thường nói “Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo/ Cái miệng không vành, nó méo tứ tung”. Trong sách Huấn Ca của Thiên chúa giáo cũng có đoạn nói “Đòn vọt làm thân thể bầm tím, nhưng cái lưỡi làm dập gẫy cả xương. Có nhiều kẻ ngã gục vì lưỡi kiếm nhưng làm sao tránh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người.”
Cái lưỡi là một bộ phận của cơ thể nhưng cái lưỡi cũng được coi là một vũ khí giết người lợi hại. Báo chí nên thực sự là người đồng hành tin cậy của DN, góp phần vào quá trình phát triển và hội nhập của đất nước chứ không nên là một cái lưỡi, một cái lưỡi có quyền lực.