Doanh nghiệp và vấn đề phát triển bền vững

Thời gian gần đây, nhiều tổ chức và doanh nghiệp hay sử dụng cụm từ “phát triển bền vững”. Liệu đây có phải là một việc làm mang tính quảng bá, một hoạt động từ thiện, hay một hành động mang tính thời thượng của doanh nghiệp?

Sự thật là trong một số năm trở lại đây, công chúng ngày càng đòi hỏi các doanh nghiệp phải quan tâm và có hành động cụ thể đối với vấn đề môi trường và phát triển bền vững.

Đối với nhà đầu tư, họ không chỉ quan tâm đến các vấn đề môi trường và tác động xã hội mà còn kết hợp các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty (ESG) vào chiến lược đầu tư đang là xu hướng lớn của các nhà đầu tư có trách nhiệm.

Thực tế trên thế giới, các chính sách và hoạt động ESG là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Lồng ghép ESG vào hoạt động kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan, mà còn giúp doanh nghiệp cải thiện quản lý rủi ro kinh doanh, nâng cao khả năng thích nghi và cạnh trạnh hiệu quả.

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Lux Research, các công ty thuộc nhóm 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ có điểm ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) cao nhất đã có sự tăng trưởng cao hơn mức trung bình trong những năm qua.

Đối với người tiêu dùng, mối quan tâm của họ đã chuyển từ mong muốn sang đòi hỏi các công ty phải quan tâm đến các vấn đề phá triển bền vững và những yêu cầu này có tác động lớn đến các doanh nghiệp đã định hình thương hiệu trên thị trường.

Một ví dụ điển hình là thương hiệu thời trang Forever 21 đã phải nộp đơn xin phá sản một phần là do phản ứng yếu kém đối với các quan ngại của khách hàng về việc rác thải được tạo ra từ các sản phẩm “thời trang mì ăn liền”. Những vấn đề này quan trọng đối với người tiêu dùng và đang là động lực thúc đẩy sự lựa chọn các sản phẩm. Vì vậy nhiều thương hiệu hướng đến người tiêu dùng đang cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như thúc đẩy các nhà cung cấp của họ làm điều tương tự.

Đối với nhân viên công ty, đa số người lao động đều mong muốn làm việc cho các công ty có danh tiếng tốt, thân thiện với môi trường và họ cũng ngày càng quan tâm tới việc phải hành động để cải thiện nơi làm việc của họ. Vấn đề này cũng ảnh hưởng tới hoạt động thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu vì họ ngày càng coi trọng các giá trị xã hội như tác động đối với các vấn đề xã hội môi trường và phát triển bao trùm.

Việc các thương hiệu hay nhãn hàng không hướng tới các mục đích và giá trị quan trọng có thể tạo ra những phản ứng không mong muốn từ phía nhân viên. Ví dụ tháng 1/2020, hơn 350 nhân viên của công ty Amazon đã công khai kêu gọi công ty phải có hành động để giảm thiểu tác động gây ra biến đổi khí hậu và các chính sách xã hội. Các nhân viên này tổ chức sự kiện ngay cả khi công ty cảnh báo họ có thể bị cho nghỉ việc vì hành động như vậy.

Thuật ngữ “bền vững” vẫn có ý nghĩa khá trừu tượng. Đối với nhiều tổ chức hay doanh nghiệp, ngay cả khi đã đồng ý đưa vấn đề này là ưu tiên, các nhà lãnh đạo vẫn cần phải bàn kỹ để quyết định điều này có nghĩa như thế nào đối với chính tổ chức của mình. Tùy từng tổ chức, câu trả lời sẽ rất khác nhau. Đó có thể là vấn đề quản lý chất thải, tái chế, tái sử dụng bao bì, giảm thiểu phát thải nhà kính hay quản lý có hiệu quả nguồn nước hoặc sử dụng năng lượng tái tạo.

Để xác định mục tiêu cụ thể cho tổ chức của mình, các nhà lãnh đạo có thể cân nhắc tham chiếu 17 Mục tiêu Thiên niên Kỷ về Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và coi đó là định hướng hoặc tập trung vào một số mục tiêu cấp thiết liên quan đến các vấn đề về ESG như sử dụng ít tài nguyên, giảm lượng khí thải, giảm lược rác thải ra môi trường…

Lồng ghép phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh

Quyết tâm và hành động là điều quan trọng. Tuy nhiên, DN vẫn cần có một bài toán kinh doanh phù hợp với các dự án và chương trình cụ thể để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của mình. Để xây dựng một chiến lược phù hợp với các mục tiêu kinh doanh tổng thể, chúng ta cần cân nhắc một số vấn đề sau:

Làm cho hoạt động của bạn bền vững hơn

Tất cả các DN có thể hoạch định, điều chỉnh, quản lý những tác động về môi trường, xã hội của nhà máy, văn phòng và dịch vụ hậu cần của mình. Việc điều chỉnh này thường mang lại cả các lợi ích về tài chính. Ví dụ: Nếu trọng tâm của DN là giảm lượng khí thải, bạn có thể sử dụng nhiên liệu thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời hoặc áp dụng các phương pháp tiết kiệm/giảm nhu cầu năng lượng. Những hoạt động này có thể đòi hỏi DN phải có những đầu tư ban đầu nhưng sẽ đem lại các lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế trong tương lai.

Giúp khách hàng của bạn trở nên bền vững hơn

Một chiến lược khác DN có thể áp dụng là phát triển các sản phẩm, dịch vụ đem đến các giải pháp bền vững hơn cho khách hàng, giúp họ cải thiện hoạt động và sản phẩm của mình (dành cho doanh nghiệp) hoặc giảm tác động của cá nhân đối với môi trường thông qua hoạt động tiêu dùng (đối với người tiêu dùng). Ví dụ cung cấp các sản phẩm với vật liệu sinh học hoặc vật liệu có thể tái chế, bán cho khách hàng các sản phẩm với bao bì thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng.

Khai thác các cơ hội kinh doanh mới từ xu hướng bền vững

Ngoài việc cải thiện sản phẩm cho khách hàng hiện tại, DN luôn có cơ hội phát triển sản phẩm mới dành cho các thị trường đang phát triển dựa trên xu hướng bền vững. Đó có thể là các vật liệu mới giúp pin lưu trữ năng lượng dài hơn hoặc cho các protein thay thế giúp giảm tác động đối với môi trường hơn sản phẩm từ thịt động vật. Trên thực tế, mối quan tâm đến protein có nguồn gốc thực vật đã khiến nhiều thương hiệu thực phẩm đầu tư vào những lựa chọn thay thế khác nhau như Nestlé sản xuất burger thịt chay, Kellogg đầu tư vào một nhà phát triển chùm ngây và General Mills đầu tư vào đồ uống làm từ protein hạnh nhân. Đối với những chiến lược như thế này, định vị giá trị nằm trong các cơ hội phát triển hàng đầu mới mà nó có thể tạo ra.

Doanh nghiệp phát triển bền vững

Chúng ta có thể khái quát các nội dung trên thành một quy trình gồm ba bước này nhằm đánh giá các động lực của sự phát triển bền vững, việc lựa chọn mục tiêu và sự phù hợp với chiến lược kinh doanh nhằm xây dựng một lộ trình cho các DN muốn phát triển chiến lược bền vững thực sự chứ không chỉ để đánh bóng tên tuổi. Câu trả lời cụ thể đối với mỗi DN sẽ khác nhau nhưng khi DN hiểu và có cách tiếp cận bài bản thì họ sẽ có cơ sở vũng chắc cho các kế hoạch để thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Đăng ký nhận bài viết mới

5/5 - (4 votes)

Ý kiến của bạn