Máy bay Boeing cháy động cơ, xe Vinfast gãy trục và phát ngôn trong khủng hoảng

Nếu bạn không lên tiếng, những người khác sẽ nói thay bạn. Lúc đó sự dối trá sẽ trở thành sự thật.

Máy bay Boeing cháy động cơ

Ngày 20/2/2021 (giờ Mỹ), chiếc Boeing 777 của United Airlines đi từ sân bay quốc tế Denver ở Mỹ đến Honolulu ở Hawaii bị cháy động cơ ngay sau khi cất cánh, làm rơi vãi các mảnh vỡ động cơ khắp thành phố Colorado.

Chiếc máy bay chở 231 hành khách và 10 phi hành đoàn buộc phải quay trở lại sân bay Denver. May mắn không xảy ra thương tích nào. Hành khách trên chuyến bay mô tả một “vụ nổ lớn” ngay sau khi máy bay cất cánh.

Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nói chuyến bay United Flight 328, bay đến Honolulu, đã bị hỏng động cơ bên phải. Cơ quan này yêu cầu kiểm tra kỹ thêm các máy bay Boeing 777 được trang bị động cơ Pratt & Whitney 4000 sau khi sự việc xảy ra.

FAA hiện đang gặp gỡ các đại diện từ hãng động cơ và Boeing. Kết quả ban đầu của Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia cho thấy, phần lớn hư hỏng xảy ra ở động cơ bên phải, nơi hai cánh quạt bị gãy và các cánh quạt khác cũng bị va đập. Phần thân chính của máy bay chỉ bị hư hỏng nhẹ.

Sau khi sự việc xảy ra, hãng hàng không United Airlines và tập đoàn Boeing đã ngay lập tức có các phát ngôn chính thức đăng trên tài khoản Twitter và website của mình.

Phát ngôn của UA

Đối với United Airlines, nội dung thông điệp cập nhật về tình hình hành khách và nhấn mạnh việc hợp tác điều tra với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, hãng cũng cho biết đã tự nguyện và tạm ngừng khai thác loại máy bay Boeing 777 sử dụng động cơ Pratt & Whitney 4000.

Phát ngôn của Boeing

Hãng Boeing cũng có động thái tương tự khi khuyến nghị tạm dừng hoạt động các máy bay Boeing 777 sử dụng động cơ Pratt & Whitney 4000 cho tới khi FAA xác định quy trình điều tra phù hợp.

Pratt & Whitney, nhà sản xuất động cơ cho loại máy bay này, thì chậm trễ hơn trong việc công bố thông tin tuy nhiên công ty này cũng đã có phát ngôn chính thức trên website và tài khoản Twitter của mình.

Theo hãng BBC, Nhật Bản cũng đã yêu cầu tất cả các hãng hàng không sử dụng máy bay Boeing 777 có cùng động cơ Pratt & Whitney 4000 phải tránh không phận nước này cho đến khi có thông báo mới. Những hành vi bị cấm gồm cất cánh, hạ cánh và các chuyến bay trên khắp nước Nhật.

Chính phủ Nhật Bản cũng ra lệnh cho các hãng hàng không JAL và ANA đình chỉ việc sử dụng những máy bay 777 với động cơ kiểu Pratt và Whitney 4000 tương tự. Boeing nói ủng hộ quyết định của Nhật Bản, và khuyến nghị đình chỉ hoạt động tất cả các máy bay có cùng động cơ, khi cuộc điều tra về sự việc vẫn đang diễn ra.

Xe Vinfast bị “gẫy trục”

Liên tiếp trong những ngày qua có nhiều hình ảnh các mẫu xe VinFast bị gãy càng chữ A, rơi bánh đã khiến khá nhiều người bàn tán và chia sẻ trên mạng, đặc biệt là Facebook. Theo VNMedia, “đến nay đã ghi nhận được 5 vụ việc liên quan đến các mẫu xe VinFast bị gãy càng chữ A, rơi bánh xe tại Tp. Hồ Chí Minh (2 vụ), tại Uông Bí (Quảng Ninh), Đà Nẵng và Hà Tĩnh”  – (Note: VNMedia có thể bị nhầm Nghệ An thành Hà Tĩnh)

Ngày 22/2/2021, một xe Vinfast bị gãy càng khi đang lưu thông trên cầu Bến Thủy. Thông tin này được đăng trên trang thông tin của Đài TH tỉnh Nghệ An tuy nhiên sau đó bài viết này đã “biến mất” không rõ lý do.

Ảnh chụp màn hình bài viết trên trang tin truyenhinhnghean.vn

Bài viết đăng tại địa chỉ https://truyenhinhnghean.vn/an-toan-giao-thong/202102/dang-luu-thong-o-to-vinfast-bat-ngo-gay-cang-tren-cau-ben-thuy-bc54b5c/ nhưng hiện đã không còn tồn tại. Tuy nhiên bài viết này vẫn được lưu trên Google cached và có thể xem lại tại đây.

Một số bài viết trên các diễn đàn và trang tin có liên quan đến vấn đề này cũng không còn tồn tại chỉ sau vài giờ.

Hiện nay, trên mạng xã hội đang chia thành 2 phe tranh cãi nhau kịch liệt. Một phe cho rằng cần xem xét lại chất lượng sản phẩm của hãng xe này khi liên tiếp có nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian gần đây.

Phe còn lại cho rằng chưa thấy có gì phải phàn nàn về chất lượng của nhãn xe này. Câu chuyện xe ô tô Vinfast không rõ ràng với những hình ảnh mập mờ về việc “rơi bánh”, “gãy càng” đang được nhiều người chia sẻ rộng rãi những ngày qua thể hiện sự đố kỵ hoặc thậm chí là một âm mưu dìm hàng xe Việt.

Trên MXH đã xuất hiện nhiều KOL lên tiếng bênh vực Vinfast. Một số người đăng những bài viết cùng hình ảnh “gãy càng” của các hãng xe khác để minh họa sự cố này là chuyện bình thường và bất kỳ hãng xe nào cũng có thể gặp phải khi xe bị tai nạn hoặc va chạm, kể cả các hãng xe đắt tiền.

Một số người khác thì gọi những người chê bai hãng xe Việt là “tự nhục”, phản động, bất mãn hay phá hoại đồng thời gắn sự việc này vào cả vấn đề mang tính chính trị như “cuồng Mỹ”, “yêu Phương Tây”, “chê bai thành quả của đất nước’…

Đối với các phương tiện truyền thông, có một số tờ báo thay vì làm đúng chức năng là phản ánh thông tin tới độc giả thì “sốt sắng” làm thay cả công việc của cơ quan chức năng là đưa ra kết luận.

Một tờ báo thuộc loại lớn nhất nhì khẳng định “Ô tô không thể ‘rụng bánh’ nếu không có va chạm” và đưa ra nhận định “Bất cứ hãng xe nào trên thế giới đều gặp các trường hợp xe bị “gãy càng, rụng bánh” dù là va chạm nhẹ hay nặng. Tuy vậy, không có trường hợp nào xe tự gãy mà không có lực tác động.”

Một trang tin trực tuyến lớn khác cũng cho rằng “Ôtô bị gãy trục bánh sau va chạm là việc không quá hiếm gặp. Nguyên nhân của tình trạng này không đến từ chất lượng xe.” Bài viết trên một trang tin trực tuyến khác cũng cho rằng đây là “thuyết âm mưu không tưởng”!

Chưa bàn về việc mức độ chính xác của thông tin đang được lan truyền đến đâu và liệu có “sự tác động” của DN đối với các bài viết trên các phương tiện truyền thông và MXH hay không, tôi cho rằng nếu một loạt sự việc “gãy càng” xảy ra trong một thời gian ngắn như vậy thì Vinfast nên nhanh chóng phối hợp với các bên có liên quan xem xét cụ thể vụ việc, làm rõ nguyên nhân và có công bố thông tin.

Việc làm này trước hết là khẳng định chất lượng sản phẩm và thương hiệu và cũng là cách trấn an dư luận và củng cố niềm tin của công chúng. Đây vừa là quyền lợi của nhà sản xuất, lại vừa là trách nhiệm đối với xã hội và người tiêu dùng.

Với số lượng lũy kế gần 30.000 xe bán ra trong 18 tháng, một thương hiệu xe nội địa như Vinfast có tác động không hề nhỏ đối với thị trường, người tiêu dùng và nhất là vấn đề an toàn giao thông. Trên thế giới, bất kỳ một thương hiệu xe dù lớn hay nhỏ khi xảy ra sự cố thì họ vẫn phải đối mặt để giải quyết và xử lý vấn đề. Vinfast không nên là một ngoại lệ hoặc là một “điều bất thường”, nhất là ngày càng có nhiều người Việt chọn lựa loại xe này.

Công bố thông tin minh bạch hoặc đưa ra các phát ngôn chính thức cũng là cách Vinfast đập tan những tin đồn thất thiệt hay bịa đặt làm ảnh hưởng tới thương hiệu sản xuất ô tô  của Việt Nam. Nếu nhà sản xuất vẫn giữ im lặng thì sự lo lắng, e ngại của người tiêu dùng, thì sự hoài nghi của dư luận, hay thuyết âm mưu sẽ vẫn còn lý do để tồn tại.

Việc sử dụng những biện pháp như seeding trên MXH, can thiệp hay gỡ bỏ nội dung các bài viết có liên quan thực tế lại tạo ra những cơn sóng ngầm và khi những cơn sóng này tích tụ đủ lớn, nó có thể gây những tác hại khó lường hơn.

Theo thông tin trên báo Dân Trí ngày 23/02/2021, tập đoàn Vingroup đang liên tục phát hành trái phiếu, huy động hàng nghìn tỷ đồng, trong đó một phần lớn nhằm tăng vốn cho VinFast và VinSmart. Đây cũng có thể là một lý do khiến Vinfast vẫn chưa có (hoặc không muốn) phát ngôn chính thức về những sự việc vừa qua.

Dù xử lý theo cách nào đi nữa, cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng nếu Vinfast tiếp tục im lặng để cho mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông tiếp tục lên tiếng như hiện nay thì thực ra có hại nhiều hơn lợi.

Đăng ký nhận bài viết mới
5/5 - (5 votes)

Ý kiến của bạn