Hiện nay rất nhiều người đang sử dụng các trang mạng xã hội (MXH), đặc biệt là Facebook, là nơi xả “xì trét” cá nhân hoặc bày tỏ sự thái độ bức xúc đối với các vấn đề trong cuộc sống.
Tuy nhiên, một phút nóng giận và thiếu bình tĩnh trên MXH có thể khiến chúng ta gặp nhiều rắc rối hơn chúng ta tưởng.
Trường hợp gần đây nhất là của một bác sỹ tại Thừa Thiên – Huế. Theo thông tin trên báo chí thì vị bác sỹ này có đăng một nội dung được cho là xúc phạm Bộ trưởng Y tế và bị cơ quan chức năng ra quyết định phạt 5 triệu đồng. Tuy nhiên, Sở Thông tin và Truyền thông Thừa Thiên – Huế sau đó đã rút quyết định xử phạt này.
Với sự phát triển của MXH thì đây không còn đơn thuần là nơi chia sẻ sở thích, quan điểm sống hay “trút giận”. Đôi khi MXH còn bị sử dụng vào mục đích tiêu cực như bôi nhọ hay nói xấu.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cũng đã ban hành nhiều quy định pháp luật để quy trách nhiệm dân sự, xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi này.
Về xử lý hành chính: Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 và khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 25, Bộ luật Dân sự 2005 thì người bị xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm bởi hành vi bêu rếu, nói xấu trên MXH có quyền yêu cầu yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Về xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hoặc phạm tội đối với nhiều người có thể bị phạt tù từ 1 – 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo đó, hành vi bịa đặt được hiểu là việc tự nghĩ ra một điều gì đó mà không có thật đối với người khác để bôi nhọ, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Còn hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt là trường hợp tuy người phạm tội không bịa đặt, nhưng lại loan truyền những thông tin mà mình biết rõ thông tin đó là do bịa đặt, không đúng sự thật. Việc loan truyền này có thể bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sao chép làm nhiều bản gửi đi cho nhiều người qua tin nhắn, kể lại cho người khác nghe, đăng dòng trạng thái, bình luận trên MXH…
Tuy nhiên, một vấn đề vẫn khiến các cơ quan hành pháp vẫn đang lúng túng đó là xác định hành vi xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm vì thực tế hiện nay luật chưa có định nghĩa cụ thể cho vấn đề này. Hiểu thế nào là xúc phạm nhân phẩm, uy tín vẫn hoàn toàn tùy thuộc vào cảm tính của người xử lý.
Vì vậy, ranh giới giữa đúng và sai, vi phạm hay không vi phạm cũng không rõ ràng. Đặc biệt khi chúng ta nhận xét hay phản biện về một người hoặc tổ chức nào đó theo hướng tiêu cực thì rất dễ bị coi là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của đối tượng đó.
Bên cạnh đó, trong các quy định pháp luật hiện cũng chưa xác định mức độ nào bị coi là “xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự”. Có người coi vài câu nói xúc phạm là việc nghiêm trọng nhưng có người chỉ coi đó là “chuyện vặt”. Do đó, điều này có thể dẫn tới cách xử lý khác nhau của cơ quan pháp luật.
Chính vì vậy, trước khi bạn xả “xì trét” đối với một cá nhân hoặc tổ chức nào đó trên MXH, bạn cần cân nhắc kỹ tránh để bị quy vào hành vi lợi dụng MXH để nói xấu và bôi nhọ người khác.
Lời nói như một mũi tên, khi bắn ra thì không thể thu hồi lại được.
(Tổng hợp)
Nguồn tham khảo: Tuoitre.vn, Nguoiduatin.vn, DanViet.vn. Ảnh: Zawya.