Muốn ngẩng cao đầu, hãy suy nghĩ lớn

Việt Nam đã và đang tham gia vào tiến trình tự do hóa thương mại trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) và ASEAN mở rộng (ASEAN +6) với các nước khu vực và trên thế giới. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp (DN) trong nước ngày càng chịu sức ép lớn dần từ các DN nước ngoài. Ðây là thách thức đối với các DN trong nước và đòi hỏi DN không thể không thay đổi.

Theo cam kết WTO, lĩnh vực bán lẻ cũng sẽ chính thức được mở cửa hoàn toàn năm 2015. Khi đó các DN ngoại sẽ được “tự do” đầu tư vào Việt Nam mà không vấp phải nhiều rào cản như hiện nay. Đối với DN trong nước, chưa bao giờ lòng tự hào, tinh thần dân tộc, mong muốn xây dựng những thương hiệu Việt có tầm cỡ và khí thế “quyết chiến, quyết thắng” lại sục sôi như bây giờ.

Rất nhiều DN trong nước, với sự hỗ trợ của truyền thông, đang ngày đêm kêu gọi lòng tự hào thương hiệu Việt, hô hào tinh thần dân tộc, thể hiện khát vọng muốn ngẩng cao đầu với hàng loạt khẩu hiệu, chương trình rầm rộ.

Trên nhiều phương tiện truyền thông, các công ty nước ngoài thường được mô tả như những “con quái vật” hoặc “con cá mập” chuyên đi “bành trướng”, “xâm lấn”, “thôn tính”, “nuốt chửng” các DN Việt Nam “lép vế”, “đuối sức”, “thất thế”…

Đúng là thương hiệu Việt phải được xây dựng từ niềm tự hào dân tộc. Tâm lý đó cũng là bình thường. Tuy nhiên niềm tự hào dân tộc không đồng nghĩa với “chủ nghĩa dân tộc” thiển cận, hẹp hòi. Trong nhiều trường hợp, một số người đã (cố tình) bước qua ranh giới này.

Hội nhập là phải cạnh tranh và bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận. Không thể phủ nhận mức độ cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực như phân phối, bán lẻ đang ngày càng trở nên gay gắt. Tuy nhiên, sự cạnh tranh không chỉ là mang ý nghĩa là các DN phải tiêu diệt và thôn tính nhau. Ở khía cạnh thương mại, cạnh tranh là nhằm chiếm được sự chấp nhận và lòng trung thành của khách hàng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã từng chia sẻ rằng một thương hiệu muốn nâng tầm thành thương hiệu quốc gia trước hết phải là thương hiệu tạo ra sản phẩm được người Việt tự hào, mang tinh hoa, tâm hồn của của người Việt.

Dĩ nhiên tự hào thôi chưa đủ, các sản phẩm đó đầu tiên phải được người Việt Nam tin dùng và ủng hộ rộng rãi. Bởi có như vậy, doanh nghiệp mới có đủ tiềm lực về tài chính để “bơi” ra biển lớn.

Thực tế cho thấy trước khi yêu thích một thương hiệu người tiêu dùng phải làm quen, dùng thử, chọn mua và cuối cùng là đặt lòng tin vào thương hiệu đó. Nếu DN Việt có thể đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, cam kết về chất lượng cũng như các giá trị cộng thêm khác, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng.

Để đạt được mục tiêu này DN cần tạo ra sự khác biệt, tăng cường tính liên kết và khả năng quản trị, không ngừng học hỏi để tìm ra con đường mới tiếp cận thị trường. Điều quan trọng là các DN cần có hoài bão lớn, tư duy táo báo và tầm nhìn xa. Đây là những điều kiện tiên quyết nếu DN muốn phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Với DN trong nước, mong sao các DN hãy hướng đến lợi ích của người tiêu dùng Việt Nam. Thay vì ngồi hô hào, sử dụng tiểu xảo hoặc nằm trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, DN hãy chủ động, sáng tạo để thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Muốn thay đổi cuộc sống, hãy thay đổi cách suy nghĩ. Hay nói như Mahatma Gandhi “We must be the change we wish to see in the world”. DN Việt muốn ra biển lớn, muốn ngẩng cao đầu thì cần thiết phải có tư duy và tầm nhìn lớn.

Đăng ký nhận bài viết mới

Đánh giá bài

Ý kiến của bạn