Làm thế nào để không trở thành một “Bùi Hiền” trong công ty?

Suốt mấy ngày nay, đề xuất cải tiến “Tiếq Việt” của PGS.TS Bùi Hiền đã trở thành đề tài “hot nhất Vịnh Bắc Bộ” và tạo ra nhiều tranh luận gay gắt trên mạng.

Đa số đều phản ứng với những đề xuất “lạ” nói trên, thậm chí còn chỉ trích nặng nề tác giả của đề xuất này.

PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy – học phổ thông. Ảnh: Thanh Hùng.

Tôi cũng thử viết một dòng trạng thái (status) trên Facebook với kiểu chữ “Tiếq Việt” của PGS. TS Bùi Hiền, tất nhiên là tôi chưa tự viết được mà phải nhờ một công cụ có sẵn trên mạng, nhưng mức độ tương tác đối với status khiến tôi khá bất ngờ.

Chỉ với 3 dòng ngắn ngủi và không sử dụng hình ảnh, status của tôi có hơn 100 tương tác chỉ sau vài giờ (Con số này là khá cao vì tôi chẳng phải hot facebooker). Hơn một nửa trong số này là lời bình luận, của cả những người bạn ít khi tương tác trên Facebook.

Chưa nói về vấn đề khả thi hay không, sự phản ứng, đôi lúc hơi tiêu cực của công chúng, đối với đề xuất của PSG.TS Bùi Hiền, một lần nữa cho thấy con người không dễ dàng chấp nhận một tư tưởng hay sự cải tiến đi ngược lại số đông, đặc biệt là những niềm tin hay giá trị đã được xây dựng vững chắc từ trước.

Trong trường hợp này là ngôn ngữ – không chỉ là phương tiện biểu đạt mà còn được coi là một phần của văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, không chỉ là các vấn đề xã hội đâu, bạn cũng thường xuyên gặp những hiện tượng tương tự trong môi trường làm việc. Một trong những thách thức lớn nhất đối với các ý tưởng mới đem đến thay đổi đó là phải vượt qua sự lo sợ, định kiến và bảo thủ.

Một ý tưởng mới, hay đôi khi không đủ. Nếu bạn thực sự muốn đem đến sự thay đổi, một làn gió mới cho sản phẩm, quy trình hay chiến lược thì bạn cần phải hiểu một chút về vấn đề tâm lý.

Điều gì khiến con người bảo thủ và không muốn thay đổi?

Sợ thất bại: Hãy thử tưởng tượng rằng bạn có dự án mới. Bạn muốn người khác làm theo đề xuất của bạn, đầu tư vào kế hoạch của bạn trong khi họ không chắc lắm về kết quả đạt được sẽ như thế nào? Rõ ràng là những người can đảm nhất cũng sẽ không thể chấp nhận đề xuất của bạn vì họ sợ dự án sẽ thất bại.

Sợ cái mới: Về mặt lý thuyết thì ít người nói rằng họ sợ cái mới. Tuy nhiên chỉ khi nào bắt tay thực hiện thì điều này mới nhìn thấy rõ. Nhất là khi vấn đề liên quan đến quy trình, ngân sách hay những điều khác xa những cái họ đã quá quen thuộc trong một thời gian dài.

Sợ ảnh hưởng lợi ích/quyền lực: Sự thay đổi và cải tiến có thể khiến lợi ích và quyền lợi của những người có liên quan bị ảnh hưởng. Ví dụ như thay đổi lại cơ cấu tổ chức, chức năng của các phòng ban.

Sợ mọi thứ sẽ lộn xộn: Ý tưởng mới đôi khi sẽ phức tạp và hơi khó hiểu đối với tất cả mọi người. Điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy sợ hãi, mất phương hướng và mệt mỏi. Kết quả là những người đó sẽ không chấp nhận sự thay đổi hay ý tưởng mới vì không cảm thấy yên tâm và an toàn.

Để không trở thành một “Bùi Hiền” trong công ty hay nói ngắn gọn là vượt qua những rào cản, thuyết phục mọi người ủng hộ sáng kiến đem lại sự thay đổi, bạn cần giảm thiểu những lo lắng hay nỗi sợ hãi tôi đã nói phía trên.

Một trong những cách thuyết phục là đề xuất ý tưởng dựa trên thực chứng, nghĩa là có logic, có cơ sở, và lợi ích rõ ràng. Đừng nên mặc định trong đầu là ai cũng hiểu về ý tưởng của bạn. Hãy trình bày rõ ràng và thuyết phục từng điểm một trong đề xuất bạn muốn trình bày.

Bên cạnh đó, bạn cần đặt mình vào vị trí người nghe, tạo ra mối liên hệ giữa ý tưởng của mình với nhóm người này. Cần giải thích bằng cách đưa ra những minh họa và dẫn chứng có liên quan đến công việc hoặc lợi ích của nhóm cần thuyết phục.

Nhiều người sẽ tránh nói về vấn đề rủi ro nhưng tôi thấy cần phải nêu rõ những rủi ro có thể gặp phải cũng như những cách hạn chế và giảm thiểu nó. Điều này sẽ làm mọi người hiểu và yên tâm với những ý tưởng mới hơn.

Ngoài việc đề cập đến những rủi ro có thể gặp phải, bạn nên chi tiết và cụ thể hóa ý tưởng của mình tránh trường hợp ý tưởng thì quá bay bổng nhưng khi triển khai lại không thực tế và khả thi. Tốt nhất là đừng “Over promise”!

Cho đến hôm nay PGS. TS Bùi Hiền vẫn khẳng định “sẽ không lùi bước dù bị ném đá bẩn thỉu”. Trường hợp của PGS. TS Bùi Hiền  nhắc tôi nhớ đến Galileo Galilei, nhà thiên văn học người Ý, đã phải đối mặt với tòa án dị giáo năm 1633 vì cho rằng Trái đất quay xung quanh Mặt Trời.

Vào thời đó người ta vẫn tin vào việc trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi hành tinh đều quay xung quanh trái đất. Sau khi Galileo bị đưa ra xét xử trước tòa án Giáo hội và tuyên án dị giáo, mọi tài liệu và ghi chép của ông cũng bị cấm lưu hành trong dân.

Cá nhân tôi cho rằng trước khi PGS. TS Bùi Hiền có thể hoàn thành công trình nghiên cứu ngôn ngữ có lẽ ông nên là nhà tâm lý hoặc ít nhất quan tâm một chút về vấn đề tâm lý. Có như vậy công trình của ông mới có người ủng hộ và không bỏ phí hơn 20 năm nghiên cứu của mình.

Khuất Quang Hưng

Đăng ký nhận bài viết mới

Đánh giá bài

Ý kiến của bạn