Đó là niềm tin, không chỉ là chuyện đi hay ở

Để dạy cậu con trai nhỏ tuổi của mình về cuộc sống, một người cha đã bảo cậu con trai trèo lên nóc tủ và nhảy xuống. Sau một hồi do dự vì sợ hãi, cậu bé đã thực hiện cú nhảy vì tin rằng người cha sẽ đỡ cậu. Kết cục, cậu bé bị ngã rất đau vì người cha đã không thực hiện lời mình đã hứa.

Câu chuyện này tôi và có thể cả bạn đã được nghe từ lâu. Dù chỉ là một câu chuyện cười hiện đại nhưng bài học đầu tiên mà người cha đã dạy cho cậu bé trong câu chuyện này khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Đến bố đẻ còn lừa dối con, vậy sau này con đừng tin ai!”

Trong cuộc sống, niềm tin giống như nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp giải phóng những khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người. Có niềm tin, con người có khả năng làm được những điều phi thường vượt xa những gì chính họ có thể tưởng tượng. Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta có thể thấy rất nhiều ví dụ minh chứng cho điều này.

Gây dựng được niềm tin đã khó, giữ được niềm tin còn khó hơn nhiều. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay niềm tin có lẽ đã trở nên mong manh và dễ vỡ hơn bao giờ hết.

Cách đây không lâu, một người bạn hỏi tôi nghĩ thế nào về những vấn đề trong nước xảy ra gần đây. Thay vì trả lời, tôi đã hỏi lại anh ta chính câu hỏi đó. Sau vài giây lưỡng lự, anh ấy bắt đầu chia sẻ những quan điểm của mình và nói rất thật rằng nếu có điều kiện, anh ấy sẽ đưa gia đình rời khỏi Việt Nam.

Dù phần nào hiểu được những trăn trở của người bạn, tôi không thể không cảm thấy chạnh lòng khi anh ấy chấm dứt câu chuyện bằng một cái chép miệng: “Nói thật với ông, thời buổi này cột điện có chân thì nó cũng đi.”

Khi tôi nhắc lại câu nói này với một vài người, họ đã bảo tôi rằng đây là câu nói đã có từ cách đây 40 năm, thời điểm đất nước vừa hoàn toàn được thống nhất.

Hôm nay, bên lề cuộc họp với một tổ chức Hoa Kỳ, ông giám đốc tổ chức này cho tôi một câu đố khá bất ngờ: “Tôi đố ông trong 2 tháng qua câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất của người Việt Nam là gì?” Tôi đoán mò: “Chắc lại là việc nhập khẩu các sản phẩm từ Hoa Kỳ vào Việt Nam đúng không?” – “Sai bét!” Ông này lắc đầu. “Câu hỏi đó là làm thế nào để định cư ở Hoa Kỳ theo diện EB-5?” (Định cư theo diện EB-5 là định cư theo diện đầu tư kinh doanh tại Hoa Kỳ).

Thấy tôi tròn mắt, ông liền giải thích rằng chính ông ấy cũng rất ngạc nhiên khi thấy gần đây sự quan tâm về việc này tăng vọt. “Điều đó phần nào chứng minh rằng rất nhiều người cảm thấy bất an với cuộc sống,” ông nói.

Hoàn toàn không giống như câu chuyện xuất khẩu lao động của Việt Nam sang các nước trong khu vực Châu Á hoặc Trung Đông, những người có nhu cầu rời khỏi đất nước hầu hết là những người thuộc tầng lớp trung lưu hoặc khá giả.

Theo tôi hiểu, điều kiện quan trọng nhất để được sở di trú Hoa Kỳ cấp visa EB-5 là người muốn định cư phải đầu tư vào một dự án có sẵn với số vốn đầu tư là 500.000 đô la Mỹ hoặc một triệu đô la Mỹ vào một pháp nhân kinh doanh mới. Người đầu tư có thể có thẻ xanh trong vòng 5 năm.

Nếu bạn để ý, thời gian gần đây có rất nhiều quảng cáo của các trung tâm môi giới định cư nước ngoài trên các tờ báo lớn. Hầu hết những quảng cáo này giới thiệu dịch vụ tư vấn di trú ở Hoa Kỳ theo diện EB-5 hoặc EB-3 (đi theo diện lao động phổ thông).

Dường như đã xuất hiện những con sóng ngầm. Nó không ầm ĩ, dữ dội mà âm thầm, lặng lẽ chảy ngày qua ngày. Những con sóng này có thể không tạo ra hậu quả ngay lập tức nhưng nó có khả năng làm sụp đổ bất kỳ những bức tường thành hay con đê kiên cố nào. Vấn đề có chăng chỉ là thời gian.

Trong suốt 15 năm qua, công ty Elderman đã thực hiện những cuộc khảo sát toàn cầu đánh giá về niềm tin của công chúng đối với các tổ chức và thể chế tại gần 30 quốc gia trên thế giới. Trong cuộc khảo sát năm ngoài với sự tham gia của hơn 33.000 người tại 28 quốc gia, lần đầu tiên kể từ cuộc Đại Suy Thoái (2008 – 2009), có tới 60% quốc gia được khảo sát bị xếp vào mục “Không được tin tưởng” (Các quốc gia có mức độ tin tưởng của công chúng dưới 50%).

Theo Báo cáo 2016 Elderman Trust Barometer, sự giảm sút niềm tin có liên quan trực tiếp đến sự thất bại của các tổ chức và lãnh đạo trong việc trả lời hoặc ứng phó nhanh với các sự cố, khủng hoảng có ảnh hưởng lớn đến những vấn đề liên quan đến tài chính, kinh tế, xã hội hay môi trường.

Quay lại câu chuyện giữa tôi và ông giám đốc tổ chức Hoa Kỳ kể trên, ông ấy nói với tôi rằng thực ra quốc gia nào cũng có vấn đề cả. Quan trọng là thái độ của mỗi người đối với các vấn đề đó như thế nào. Ông ấy cũng lấy một vài ví dụ về Liên bang Nga hay câu chuyện Brexit vừa xảy ra tại Anh Quốc.

Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề hiện nay không đơn giản chỉ là quyết định đi hay ở của mỗi người. Nó cũng không đơn giản chỉ là thái độ của mỗi người đối với một số vấn đề trong xã hội. Vào thời điểm này, mỗi quyết định đi hay ở của người dân chính là một chỉ số phản ánh niềm tin – niềm tin vào tương lai của một dân tộc.

Khuất Quang Hưng

Nguồn ảnh: Flickr

Đăng ký nhận bài viết mới

Đánh giá bài

Ý kiến của bạn