King Kong là tên một con ác thú khổng lồ giống loài khỉ đột được hư cấu trong nhiều loại tác phẩm, đặc biệt là điện ảnh. King Kong nổi tiếng khắp thế giới từ bộ phim cùng tên năm 1933, sau đó bộ phim này được làm lại vào năm 1976 và 2005.
Riêng trong lần sản xuất năm 2005, chi phí bộ phim ngốn tới 207 triệu đô la nhưng đã đem về doanh thu tới 550 triệu đô la.
Ngày 18/2, đoàn làm phim King Kong 2 đã tới Việt Nam để thực hiên các cảnh quay cho bộ phim “Kong: Skull Island” tại Ninh Bình, Hạ Long và Sơn Đoòng (Quảng Bình). Chưa biết sẽ có bao nhiêu danh thắng của chúng ta được đưa vào trong bộ phim nhưng đây được coi là một cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam.
Mặc dù đoàn làm phim đã rời Quảng Bình, dư âm về sự kiện và cách làm việc chuyện nghiệp của họ tại đây vẫn được nhiều người nhắc đến. Theo lời TS. Đinh Thế Hiển thì nhìn vào cách đoàn làm phim này làm việc, “ngoài việc hiểu về cách làm phim chuyên nghiệp thì ở một góc độ khác nó cho thấy kinh tế thị trường là thế nào!”
“Đoàn làm phim King Kong 2 đã nghiên cứu chi phí, huy động vốn và thực hiện rõ ràng, sòng phẳng với mọi dịch vụ, hàng hoá mua để sử dụng,” TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ trên trang cá nhân. “Nông dân Quảng Bình không phải bỏ sức chăn thả, mà một người nông dân chỉ với 7 con trâu được yêu cầu nhốt trong chuồng trong 3 ngày đã được chi trả 2,1 triệu đồng. Một số tiền cực lớn cho một hành động đơn giản. Những chi phí khác đều được chi trả tương tự như vậy, rất chuyên nghiệp, rõ ràng và ngon lành.
Tuy nhà đầu tư bỏ chi phí lớn nhưng sản phẩm làm chất lượng được khách hàng tự nguyên bỏ tiền đúng mức để xem, kể cả khán giả Việt Nam, sẽ giúp chủ đầu tư có lãi lớn. Các diễn viên, người sản xuất, các dịch vụ đi thuê đều được trả tiền đúng với giá trị bao gồm cả người nông dân giữ trâu lại trong chuồng vài ngày.”
Theo các phương tiện truyền thông, đoàn làm phim cũng hỗ trợ kinh phí cho nhân dân trồng hoa màu quanh vùng đất được sử dụng làm bối cảnh. Những nhà có ngô, có đậu đỗ trồng ở khu đất đó đều được đền bù tài chính xứng đáng.
Tôi cứ nghĩ mãi về việc nếu đoàn làm phim không bỏ tiền để bà con quanh vùng nhốt trâu bò, gia cầm trong quá trình họ quay phim tại đây mà yêu cầu chính quyền địa phương ra một công văn cấm thả rông trâu bò thì sao nhỉ? Hoặc nếu người nông dân không đồng ý với cái giá 2,1 triệu mà đòi tới 5 triệu thì kết quả sẽ thế nào?
Chắc chắn rằng trường hợp nào xảy ra thì cũng chẳng có ai được lợi. Đoàn làm phim có thể không quay được bộ phim theo đúng ý tưởng và kịch bản. Người nông dân có thể cảm thấy bực mình vì bị ép buộc hoặc chẳng nhận được đồng nào. Chủ nhà cũng có thể sẽ mang tiếng vì không tạo điều kiện tốt để đoàn làm phim tác nghiệp.
Từ cách làm của đoàn làm phim “con khỉ đột”, ta có thể phần nào thấy nếu kinh tế thị trường vận hành theo đúng quy luật, hàng hoá và dịch vụ tạo ra sẽ có chất lượng. Mọi thành phần, mọi đối tượng đều có lợi, nhận được thu nhập đúng mức và chắc chắn rằng sẽ tốt hơn so nền kinh tế vận hành méo mó. Rõ ràng, khi nền kinh tế bị méo mó, sản phẩm làm ra sẽ kém hơn do thiếu sự cạnh tranh, thu nhập sẽ bị ảnh hưởng và phần thiệt thòi có lẽ luôn dành cho những người yếu thế.
Trước đây chúng ta đã từng nghe đến câu chuyện bát mỳ tôm tại sân bay. Đây cũng là câu chuyện được Thường vụ Quốc hội đưa ra làm dẫn chứng hồi giữa năm 2014 khi bàn về giá dịch vụ ăn uống, dịch vụ thiết yếu độc quyền tại sân bay được thể hiện như thế nào trong dự thảo Luật Hàng không.
Việc điều hành bằng mệnh lệnh như giá của bát mỳ phải thế này, giá của chai nước phải thế kia không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Một khi người bán đã cố tình thì dù cho có can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính họ cũng vẫn tìm cách nâng giá. Ví dụ: thay vì bán một bát mỳ có 3 miếng thịt họ có thể chỉ để 1 miếng. Nếu ăn thêm thịt hoặc thêm nước thì phải trả thêm tiền.
Trong câu chuyện bát mỳ, cách duy nhất để làm cho giá bán thức ăn nước uống ở sân bay giảm đến mức bình thường là tạo dựng môi trường cạnh tranh để tự hành khách có thêm nhiều chọn lựa. Ví dụ như tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, cho các đơn vị bên ngoài vào tham gia chứ đừng dành cho người quen hoặc sân sau. Như vậy, tự khắc các đơn vị kinh doanh phải cạnh tranh về cả giá và chất lượng phục vụ để giành khách.
Quay trở lại câu chuyện “con khỉ đột”, chúng ta cũng thấy rằng kinh tế thị trường có thể góp phần chuyên nghiệp hóa năng lực quản lý. Cũng với những con người và dịch vụ như vậy, nếu họ làm việc với một công ty khác thì có thể dở nhưng khi làm với đoàn làm phim King Kong 2 thì mọi việc đều trôi chảy.
Tôi không có ý nói nhiều về đoàn làm phim này nhưng một điều rõ ràng là không phải người Việt và dịch vụ của chúng ta không tốt. Vấn đề là ai sử dụng và sử dụng như thế nào. Quan trọng nhất là hãy để thị trường vận hành theo đúng quy luật của nó chứ không nên can thiệp bằng các mệnh lệnh hành chính.
Đó cũng là câu chuyện nên điều hành nền kinh tế thị trường theo kiểu “con khỉ đột” hay kiểu “con dơi” (nửa chim, nửa chuột).