Trong vài năm gần đây, có lẽ cụm từ “khủng hoảng truyền thông” đã trở thành nỗi ám ảnh của các thương hiệu. Tại Việt Nam, với gần một nửa dân số sở hữu tài khoản Facebook, đây vừa là cơ hội để các thương hiệu kết nối với khách hàng nhưng cũng là kênh phát tán khủng hoảng truyền thông nhanh nhất.
Thống kê của Buzzmetrics vừa công bố cho thấy năm 2016 là một năm bùng nổ các khủng hoảng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Những cuộc khủng hoảng này diễn ra trong hầu hết các ngành hàng và gây ảnh tiêu cực đối với nhiều thương hiệu.
Mức độ nghiêm trọng của các sự vụ trong từng ngành hàng trong năm 2016 được thể hiện qua lượng bài viết và thảo luận liên quan đến khủng hoảng và mức độ tương tác của người dùng trên mạng xã hội. Dữ liệu trong bài viết được thu thập bằng công cụ lắng nghe và phân tích mạng xã hội của Buzzmetrics trong khoảng thời gian từ 01/01/2016 – 31/12/2016.
Một số thông tin chính đáng quan tâm gồm:
- Trong năm 2016 đã có 88 cuộc khủng hoảng trung bình và lớn xảy ra. Trong đó có 16 vụ việc ảnh hưởng đến toàn bộ ngành hàng.
- Hơn 100 thương hiệu trong 14 ngành hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các ngành hàng có số vụ khủng hoảng diễn ra nhiều nhất trong năm vừa qua là Ngân hàng, Thực phẩm & Đồ uống, Chăm sóc cá nhân, Bảo hiểm, và Giao thông vận tải.
- Các vấn đề gây ra khủng hoảng nhiều nhất trong năm gồm sản phẩm, dịch vụ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người dùng, các vấn đề gây ảnh hưởng đến quyền lợi về tiền và tài sản, cách hành xử của doanh nghiệp với khách hàng.
- Vấn đề gây tiêu cực đến Chính trị, xã hội, môi trường chỉ chiếm 5% số vụ KHTT nhưng lại gây ra các khủng hoảng có mức độ vô cùng nghiêm trọng.
Nguồn: BuzzMetrics