Vậy là sau một thời gian im lặng, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk, cuối cùng cũng đã có phát ngôn chính thức về vụ người tiêu dùng tố khăn lụa Khaisilk gắn mác “Made in Vietnam” nhưng thực chất lại là hàng “Made in China” bị cắt mác.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Zing.vn hôm qua (25/10), doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận, thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Ông Khải giải thích, vào những năm 1990, khi ngành dệt lụa trong nước bị suy thoái, ông thấy sản phẩm lụa của Trung Quốc cũng rất đẹp nên tính chuyện mang về Việt Nam kinh doanh, giống như các thương hiệu lớn của thế giới vẫn đặt hàng từ Trung Quốc và bán khắp nơi trên thế giới dưới thương hiệu của họ.
“Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa”, ông Khải chia sẻ.
Lời xin lỗi này dường như chỉ nhằm làm nhẹ sự phẫn nộ của các khách hàng chứ câu trả lời của ông Khải vẫn chưa giải thích rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm của Khaisilk.
Một số chuyên gia trong ngành sản xuất cho biết có một số khái niệm khá quen thuộc trong giới như OEM, ODM và OBM.
OEM (Original Equipment Manufacturer) thường được dùng để chỉ các công ty thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác. Một cách dễ hiểu hơn, công ty OEM sẽ sản xuất “giúp” cho công ty khác. Sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm sản phẩm.
Trong khi đó, ODM (Original Design Manufacturer) là khái niệm để chỉ các công ty đảm nhiệm việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm theo yêu cầu. Các công ty ODM này giúp đưa các ý tưởng thành một thiết kế thực sự.
Ngoài hai khái niệm trên còn có khái niệm OBM (Original Brand Manufacturer). Đây là khái niệm để chỉ các công ty không tham gia vào quá trình thiết kế hay sản xuất mà chỉ phát triển thương hiệu. Các công ty đó mua lại sản phẩm được chế tác hoàn toàn bởi công ty khác và chỉ đóng thương hiệu của mình lên đó để làm tăng giá trị cho sản phẩm.
Tuy nhiên cũng cần phân biệt OEM, ODM, OBM với các doanh nghiệp chủ động sang Trung Quốc đặt hàng, đi đường tiểu ngạch đưa về nước sau đó thay đổi nhãn mác để ăn chênh lệch giá.
Theo một số người, cách làm này chính là gian lận thương mại và nó xảy ra là do các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu chưa chặt. Đặc biệt, bản chất của sự gian lận này là do các nhà kinh doanh trong nước chủ động tạo ra nhằm tìm kiếm những khoản lợi nhuận kếch xù.
Một vụ việc khá ồn ào đã xảy cách đây đúng 10 năm đó là trường hợp của Khóa Minh Khai. Khi đó Đội Chống hàng giả thuộc Công An TP.Hà Nội bất ngờ ập vào nơi Công ty CP khóa Minh Khai đang thuê làm văn phòng đại diện và phát hiện 3 công nhân đang tiến hành tháo vỏ hộp khóa Trung Quốc thay thành khóa Minh Khai.
Khi thay vỏ, công nhân tháo bỏ các phần hướng dẫn bằng tiếng Anh và để vào đó hướng dẫn, phiếu CKS, bảo hành của khóa Minh Khai. Trong hơn 1.000 chiếc khóa tại hiện trường đã có 284 chiếc được “thay da đổi thịt”.
Đối với Khaisilk, mặc dù trong tuyên bố của mình ông Khải cam kết sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn, đồng thời “sẽ thay đổi việc tách bạch trong hoạt động ghi nhãn xuất xứ của hai loại riêng biệt, gồm sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc theo hướng kinh doanh của các thương hiệu lớn.”
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà nhiều người quan tâm đó là cần làm rõ nguồn gốc các mặt hàng Khaisilk đã bán trong hơn 20 năm qua. Chất lượng các mặt hàng đó ra sao và quá trình hàng được nhập về có đúng với các quy định của pháp luật hay không.
Lời xin lỗi muộn của ông Khải đã được một số người cảm thông và chia sẻ. Tuy nhiên, vụ việc “treo lụa ta, bán khăn tàu” này sẽ không khép lại đơn giản chỉ bằng một lời xin lỗi hoặc một bài trả lời phỏng vấn trên vài ba tờ báo.
Có thể sau lời xin lỗi này Cơ quan Quản lý Thị trường sẽ nhập cuộc để làm rõ vấn đề nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm Khaisilk đã và đang kinh doanh. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng các cơ quan thuế, Cục Quản lý Cạnh tranh và cả Hội Bảo vệ Người tiêu dùng cũng sẽ vào cuộc.
Xem ra với Khaisilk, mùa Halloween năm nay đến hơi sớm. Và có lẽ, chưa biết nó sẽ kết thúc khi nào và có dừng lại ở Khaisilk không.
Theo Khánh Đan
Cập nhật:
Theo văn bản “hỏa tốc” phát đi trưa ngày 26/10, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin về vụ việc khăn lụa của Khaisilk gắn mác “Made in China”.
Chiều 26/10, Đội Quản lý thị trường 14 của thành phố Hà Nội phối hợp với cảnh sát kinh tế gồm PC 16, PC 49… đã xuống kiểm tra cửa hàng mang thương hiệu Khaisilk tại số 113 Hàng Gai, Hà Nội.
Chiều ngày 27/10, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, ngành thuế bắt đầu vào cuộc tìm hiểu các thông tin liên quan tới DN Khaisilk sau bê bối “bán hàng Tàu dán nhãn Việt”.