Hồ sơ Panama: Đại gia bị nêu tên cần làm gì?

Cho đến nay, vụ rò rỉ thông tin chấn động địa cầu, Hồ sơ Panama, vẫn đang tiếp tục lan rộng. Những nhân vật hàng đầu được ICIJ nêu tên đã phản ứng trước loạt bài có liên quan bằng cách phủ nhận hoặc im lặng. Nếu bị nêu tên trong hồ sơ này, các đại gia làm gì?

Ngày 4/4 vừa qua, nhiều chính phủ trên khắp thế giới  đã bắt đầu tiến hành điều tra một loạt nhân vật giàu có và quyền lực về nghi vấn có hành vi che giấu tài sản ở nước ngoài. Các cuộc điều tra này được thực hiện sau khi tổ chức Hiệp hội Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố một vụ rò rỉ tài liệu mật khổng lồ từ một công ty luật tại Panama – Công ty Mossack Fonseca.

Trong vụ rò rỉ tài liệu này được xem là lớn nhất và gây chấn động nhất từ trước đến nay trên thế giới, ICIJ nói rằng số liệu kéo dài suốt 4 thập kỷ đã cho thấy hoạt động thành lập các công ty vỏ bọc  ở nước ngoài để giúp các nhân vật có tiền và có quyền che giấu tài sản nhằm rửa tiền và trốn thuế.

Được ICIJ gọi là “Panama Papers” (tạm dịch: “Hồ sơ Panama”), những tài liệu này cho thấy sự dàn xếp tài chính liên quan đến hàng chục nhà cựu lãnh đạo và đương kim lãnh đạo nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, bạn bè của Tổng thống Nga Vladimir Putin, họ hàng của Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Anh, Iceland và Pakistan, Tổng thống Ukraine… bị cáo buộc có liên quan. Theo thông tin tiết lộ trên tờ The Toronto Star (Canada), một người gốc Việt cũng nằm trong danh sách các nhân vật có tên trong số tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca.

ho_so_panama

Hãng tin Reuters cho biết, việc có tài sản trong một công ty ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp, nhưng các nhà báo đã phát hiện được những tài liệu rò rỉ với bằng chứng về sự che giấu tài sản để trốn thuế, rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt, buôn bán ma túy hay các hành vi tội ác khác.

Những nhân vật hàng đầu bị ICIJ nêu tên đã có phản ứng trước loạt bài của nhóm phóng viên điều tra Hồ sơ Panama bằng cách phủ nhận, im lặng, giải thích, hoặc thừa nhận. Một số khác thì đã phải từ chức hoặc bị ra tòa. Trong khi đó, các công tố viên và cơ quan giám sát bắt đầu tiến hành công tác điều tra bằng cách rà soát nội dung các bài viết của ICIJ.

Cho đến nay, vụ rò rỉ thông tin chấn động địa cầu này vẫn đang tiếp tục lan rộng. Theo Paul Blanchard, chuyên gia truyền thông kiêm nhà sáng lập công ty Right Angles, nếu chẳng may bị nêu tên trong Hồ sơ Panama, các cá nhân có liên quan nên hành động để bảo vệ danh tiếng của mình.

Paul Blanchard, Chuyên gia Truyền thông

Dưới đây là tóm tắt những lời khuyên của Paul Blanchard vừa đăng trên tạp chí PR Week. Đây có thể coi là những lời khuyên hữu ích đối với các cá nhân bị nêu tên trong Hồ sơ này.

Đầu tiên, đừng nên hoảng sợ! Hãy lùi một bước và đánh giá cẩn thận xem thông tin nào đã bị rò rỉ hoặc khả năng rủi ro nào có thể xảy ra.

Thứ hai, thành lập một nhóm giám sát chặt chẽ các phương tiện truyền thông để dự đoán xu hướng câu chuyện, ví dụ: thông tin gì sẽ được công bố, nhằm hoạch định các hành động tiếp theo.

Thứ ba, thông báo cho những người trong gia đình và những người thân cận nhất nhận thức được rủi ro có thể xảy ra, đồng thời hướng dẫn họ chuyển lại những yêu cầu cung cấp thông tin và không bình luận điều gì, cho dù nhỏ.

Thứ tư, bất kỳ công ty nào có các cá nhân bị nêu tên đang có quan hệ hoặc rót vốn đầu tư cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để giảm thiểu rủi ro về danh tiếng. Ví dụ: có thể đề xuất các công ty hoặc tổ chức này chuẩn bị một tuyên bố ngắn gọn nói rằng họ không biết hoặc không có bất kỳ thông tin gì về mối quan hệ giữa cá nhân bị nêu tên với công ty Mossack Fonseca.

Tuy nhiên cũng nên thực tế một chút! Dù có thể ít nhiều giảm thiểu những tác hại từ vụ việc này đối với uy tín cá nhân thì những người có tên trong danh sách sẽ gần như không thể ngăn chặn hoàn toàn ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp của mình.

Cuối cùng, nếu những cá nhân bị nêu tên trong Hồ sơ Panama tin rằng họ chẳng làm gì sai trái hay bất hợp pháp thì hãy chuẩn bị một tuyên bố ngắn gọn. Càng ngắn càng tốt. Lý do là nếu thông tin bị tung ra và không phát biểu gì thì tin đồn hoặc thông tin không chính xác có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu tới chính họ. Đến lúc đó, người có tên trong danh sách  sẽ trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích và công chúng sẽ không tin bất cứ điều gì họ nói hoặc làm.

Đối với vấn đề này, tốt nhất hãy giao lại cho luật sư hoặc cố vấn truyền thông tin cậy. Hãy giữ quan điểm trung lập và thông tin đưa ra càng thực tế càng tốt.

Bạn có đồng ý với quan điểm của Paul? Hãy cho biết ý kiến của bạn bằng cách điền vào mục ý kiến phía dưới.

Tổng hợp từ VNEconomy, PR Week. Nguồn ảnh: CNN Money, ICIJ

Đăng ký nhận bài viết mới

Đánh giá bài

Ý kiến của bạn