Đến 14 giờ ngày 5/2, đã có 24.567 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) trên toàn thế giới và 492 người tử vong, trong đó 493 người tử vong ở Trung Quốc đại lục.
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus gây ra đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp/tổ chức có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa và thực hiện một số hướng dẫn sau đối với các nhân viên và đối tác.
1. Truyền thông và nâng cao nhận thức:
Sự an toàn của nhân viên phải được đặt lên hàng đầu. Liên tục thông tin về dich bệnh và các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo vệ sinh – an toàn và bảo vệ sức khỏe của nhân viên và các thành viên trong gia đình. Giúp nhân viên có được thông tin cập nhật từ các nguồn tin chính thống như Bộ Y Tế và Tổ chức Y tế Thế giới.
2. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa:
Chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa khác nhau tại tất cả các địa điểm kinh doanh để giảm nguy cơ lan truyền chủng virus mới này tại nơi làm việc. Những biện pháp này bao gồm kiểm tra thân nhiệt, khảo sát lịch trình đi lại/công tác của nhân viên, rửa tay bằng dung dịch xát khuẩn, cung cấp khẩu trang cho nhân viên, khử trùng nơi làm việc… Cho phép nhân viên có thể linh hoạt điều chỉnh lịch làm việc và làm việc từ nhà nếu cần. Tạm hoãn có chuyến công tác hoặc hạn chế đi lại đến các khu vực đang xảy ra dịch bệnh.
3. Theo dõi lịch đi lại và sức khỏe của nhân viên:
Đảm bảo những nhân viên hoặc người thân trong gia đình không đi du lịch tới các vùng có dịch. Nếu nhân viên hoặc người thân trong gia đình vừa trở về từ các khu vực này, cần yêu cầu họ được kiểm dịch và có xác nhận của cơ quan y tế. Đảm bảo những nhân viên có biểu hiện, triệu chứng hay vấn đề về sức khỏe phải thông báo đầy đủ tình trang của mình cho người quản lý trực tiếp.
4. Xem xét các chính sách/ quy trình có liên quan:
Trong trường hợp tình hình dịch trở nên xấu hơn hoặc khi có nhân viên, khách/đối tác bị ảnh hưởng, trực tiếp hoặc gián tiếp, doanh nghiệp/tổ chức cần có quy trình để xử lý vấn đề này. Bên cạnh đó cần xác định các chính sách/chế độ có liên quan ví dụ việc trả lương/phụ cấp dành cho những nhân viên làm việc tại nhà, hoặc quy trình để đưa khách/đối tác là người nước ngoài trở lại đất nước họ trong trường hợp khẩn cấp.
5. Đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh:
Lập kế hoạch đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/tổ chức đồng thời chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp dịch bệnh leo thang. Doanh nghiệp cần chuẩn bị cho các tình huống chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đặc biệt là các doanh nghiêp có nhiều hoạt động liên kết với thị trường Trung Quốc hoặc lấy nguồn sản phẩm hoặc nguyên liệu từ thị trường này. Nếu hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, doanh nghiệp/tổ chức cần giữ liên lạc thường xuyên với đối tác/khách hàng để duy trì mối quan hệ và lòng tin.
Các doanh nghiệp/tổ chức có thể phải phối hợp với nhiều đầu mối kinh doanh khác nhau trên toàn cầu và thích ứng với những trường hợp dịch bệnh gây gián đoạn kinh doanh trong thời gian dài.
6. Hỗ trợ các tổ chức tham gia vào công tác phòng, chống dịch:
Doanh nghiệp/tổ chức có thể cân nhắc việc hỗ trợ quyên góp dưới nhiều hình thức khác nhau cho chính quyền địa phương và các tổ chức/đơn vị trực thực hiện công tác phòng/chống dịch bệnh. Cách một doanh nghiệp/tổ chức phản ứng trong tình huống khủng hoảng như thế nào cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp/tổ chức tạo dựng niềm tin và uy tín với công chúng.
7. Nhắc nhở nhân viên không nên chia sẻ hoặc đăng các thông tin khi chưa được kiểm chứng:
Chúng ta đang sống trong một môi trường mà ở đó thông tin sai lệch có thể lan truyền một cách nhanh chóng và rộng rãi. Việc lan truyền các thông tin sai lệch, thông tin chưa được kiểm chứng sẽ làm giảm lòng tin của công chúng đối với ngành y tế, cơ quan quản lý và chính phủ cũng như gây bất ổn về kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, việc chia sẻ các thông tin sai lệch có thể vi phạm các quy định pháp luật có liên quan.
Nguồn ảnh: Internet.