Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cuối tháng 7/2015 gửi đơn đến một số cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên từ điều tra đến việc kiện phía Mỹ bán phá giá liệu có đơn giản?
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc kiện thịt gà Mỹ bán phá giá sẽ không hề đơn giản, đòi hỏi quy trình thủ tục pháp lý phức tạp và tốn kém cả về con người lẫn tài chính. Vấn đề là phải có cơ sở để khẳng định phá giá hay không phá giá. Muốn vậy thông tin phải đầy, chắc chắn, được sự chấp nhận về thủ tục pháp lý và tiêu chuẩn so sánh sau đó mới quyết định có nên làm hay không.
Cũng đồng quan điểm này ông Nguyễn Hải, luật sư Công ty Mayer Brown JS, cho biết ngành chăn nuôi cần phải chứng minh được rằng các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ đang được bán phá giá. Thông thường, nếu các nhà sản xuất Mỹ bán sản phẩm tại Việt Nam với giá thấp hơn giá họ bán tại Mỹ thì đúng là có việc bán phá giá, và do vậy có thể tiến hành khởi kiện chống bán phá giá.
Để chứng minh có thiệt hại, các DN cần phải chỉ ra được ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn, thể hiện qua các chỉ số kinh tế cụ thể như giảm doanh thu, lợi nhuận, thị phần, công suất nhà xưởng, giá giảm hoặc không thể tăng. Ngoài ra các DN cũng phải chứng minh được thiệt hại kinh tế là do bị phá giá gây ra chứ không phải nguyên nhân nào khác.
Một khó khăn trong quá trình điều tra là đối với ngành chăn nuôi trong nước là để chứng minh thiệt hại, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu DN cung cấp thông tin lợi nhuận, doanh thu của một nhóm sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên vấn đề là DN trong nước thường khó bóc tách con số vì sổ sách không rõ ràng.
Luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty Luật ATIM, cho rằng hiện nay Hiệp hội Chăn nuôi mới chỉ thu thập được một số thông số về giá bán gà tại Mỹ và vài yếu tố về thiệt hại tại Việt Nam nên rất khó để nhận định đã đủ căn cứ tiến hành một vụ kiện. Nếu có thì đây mới chỉ là bước sơ khởi, nộp hồ sơ yêu cầu. Quá trình điều tra còn lại rất phức tạp và phụ thuộc nhiều yếu tố khác.
Việc chưa được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất lợi trong các cuộc giao thương quốc tế nói chung và trong các vụ kiện chống bán phá giá nói riêng. Đối với Mỹ, Việt Nam vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11/1/2007. Trong các điều khoản gia nhập WTO, có một cam kết ít được bàn luận nhưng lại có vị trí rất quan trọng. Đó là việc Việt Nam chấp nhận bị coi là một nền kinh tế phi thị trường trong vòng 12 năm và thời điểm 31/12/2018 là hạn chót mà Việt Nam phải hội đủ điều kiện để được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Nguyên tắc của WTO là mọi đối tác khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế phải là những thực thể kinh tế độc lập và các quyết định đưa ra cũng phải độc lập với ý muốn của nhà nước và chỉ dựa trên những lợi ích về kinh tế (có thể hiểu đó là nền kinh tế thị trường). Việc chưa được WTO công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất lợi trong các cuộc giao thương quốc tế nói chung và trong các vụ kiện chống bán phá giá nói riêng. Khó khăn đặc thù là việc xác định chi phí và giá cả hàng hoá xuất xứ từ Việt Nam đối với các cuộc điều tra chống bán phá giá hay áp dụng các biện pháp đối kháng.
Năm 2010, Trung Quốc, một quốc gia cũng chưa được Mỹ công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, đã từng kiện Mỹ bán phá giá các sản phẩm gà nhập khẩu. Tuy nhiên, sau một quá trình theo đuổi kiện tụng tốn kém và mất thời gian, phán quyết cuối cùng của WTO đã nghiêng về phía bảo vệ lợi ích cho phía Mỹ. Năm 2014 Trung Quốc đã phải hạ thấp thuế chống bán phá giá thịt gà Mỹ tại thị trường của mình. Nam Phi cũng đã từng áp dụng thuế chống bán phá giá tương tự đối với sản phẩm thịt gà của Mỹ nhưng sau đó cũng phải dỡ bỏ.
Đề nghị điều tra chống bán phá giá với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu được các cơ quan quản lý xem xét và cân nhắc. Tuy nhiên liệu có thể khởi kiện được phía Mỹ hay không vẫn là một câu hỏi khó có thể trả lời lúc này. Việc khởi kiện, nếu có, là một hành động phòng vệ thương mại cần thiết nhưng có lẽ cũng sẽ chỉ giống như chuyện “con kiến mà kiện củ khoai”.
Đối với ngành chăn nuôi, điều quan trọng là phải tăng sức cạnh tranh để chống chọi với các Hiệp định tự do thương mại bằng việc loại bỏ các loại phí bất hợp lý, giảm các chi phí một số khâu trung gian làm tăng giá thành như giống, thức ăn chăn nuôi, khâu giết mổ. Bên cạnh đó là việc mở rộng quy mô (hiện nay vẫn còn trên 50% sản phẩm gia cầm từ chăn nuôi nông hộ) và có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm liên kết lại.
Từ năm 2012, Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị không cho nhập gà Hàn Quốc. Đến năm 2014, Hiệp hội này cũng kêu gọi “giải cứu” bò nội do bò Úc nhập về quá rẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, sở dĩ giá thành chăn nuôi gà, heo, bò ở Việt Nam thường cao hơn 10 – 15% so với khu vực, 20 – 25% với các nước có nền chăn nuôi phát triển như châu Âu, Mỹ, Đông Âu là vì Việt Nam phải nhập khẩu gần như hoàn toàn, từ con giống, thuốc thú y, thuốc sát trùng, vắcxin, thiết bị chuồng trại cho đến nguyên liệu thức ăn, các chất vi lượng, kỹ thuật chăn nuôi… |
Khuất Quang Hưng
Nguồn tham khảo:
http://www.thesaigontimes.vn/134001/Kien-con-ga-My-phai-mat-nhieu-cong-suc.html
http://chongbanphagia.vn/kien-nghi-dieu-tra-ban-pha-gia-voi-dui-ga-my-dong-lanh-nhap-khau-n13964.html
http://infonet.vn/khoi-kien-my-ban-pha-gia-thit-ga-vao-viet-nam-khong-de-post170563.info
http://www.danviet.vn/kinh-te/kien-thit-ga-my-ban-pha-gia-o-viet-nam-luat-su-noi-kho-616953.html
http://www.vca.gov.vn/NewsDetail.aspx?ID=3032&CateID=372
http://vietbao.vn/Kinh-te/Nhung-bat-loi-khi-bi-coi-la-nen-kinh-te-phi-thi-truong/70069806/87/
http://chongbanphagia.vn/danh-sach-cac-quoc-gia-cong-nhan-nen-kinh-te-thi-truong-cua-viet-nam-n2342.html
http://bmg.pro.vn/vn/Default.aspx?Function=DetailNew&Id=116
Và sự thật là chi phí sx thị gà của VN cao nhất Châu Á, chưa nói đến so với Âu Mỹ nhé!
http://news.zing.vn/Chi-phi-san-xuat-thit-ga-Viet-Nam-cao-nhat-chau-A-post571362.html