Khi mới vào Sài Gòn, tôi thường xuyên sử dụng taxi Vinasun cho việc đi lại hàng ngày và các chuyến công tác. Lúc đó xũng đã đi thử với rất nhiều tài xế và cuối cùng chọn được một người đồng hành trong gần… hai năm.
Lý do duy nhất khiến tôi chọn anh là vì anh ta làm việc có tâm và hết sức chuyên nghiệp. Luôn có mặt đúng giờ, xe lúc nào cũng được bảo quản và vệ sinh sạch sẽ. Chỉ sau một hoặc hai lần đi xe, anh ấy biết rõ tôi thích loại nhạc gì và còn “đầu tư” hẳn một cái USB gồm toàn những bản nhạc theo thể loại tôi thích.
Cứ mỗi lần từ quê lên là anh ta luôn chuẩn bị một món quà nhỏ. Khi thì hoa quả loại cây nhà lá vườn, lúc lại vài ba món đặc sản địa phương. Mỗi khi có người thân hay bạn bè từ xa đến chơi, tôi vẫn gọi nhờ anh ấy việc đưa đón.
Có thể nói anh ấy không khác gì một tài xế riêng.
Đã có lúc tôi tự nhủ: “Một công ty dịch vụ có lẽ chẳng cần mất thời gian lập kế hoạch hay chiến lược gì đặc biêt. Cái duy nhất họ cần là những nhân viên làm việc tận tụy và biết cách chăm sóc khách hàng.”
Vào thời điểm đó anh tâm sự rằng anh đang phục vụ 2 “mối” như tôi và như vậy là đã yên tâm về thu nhập hàng tháng.
Tuy nhiên không phải tài xế taxi truyền thống nào cũng có thái độ phục vụ như vậy. Quan trọng hơn cả, đó là thời điểm Uber và Grab chưa xuất hiện tại Việt Nam.
Từ lúc mô hình “vận tải công nghệ” ra đời, các hãng taxi truyền thống gặp nhiều khó khăn. Với ưu thế tiện lợi, dễ sử dụng và thanh toán, có chế độ đánh giá tài xế và người đi xe, Uber và Grab đã được nhiều người ưa thích và lựa chọn.
Điều này dẫn tới một xu thế tất yếu đó là các hãng taxi truyền thống chậm hoặc không muốn thay đổi mất dần khách hàng và thị phần.
Mấy ngày vừa qua xảy ra việc hàng loạt taxi hãng Vinasun đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối Uber và Grab. Nhiều xe dán khẩu hiệu đề nghị “dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”.
Quay đi ngoảnh lại vẫn là câu chuyện đổi mới hay là chết.
Cá nhân tôi thấy cách phản đối như vậy là không phù hợp và thậm chí gây mất thiện cảm đối với nhiều người.
Mấy hôm trước, tôi cũng có vài ý kiến về câu chuyện này trong chuyên mục “Chuyện làm ăn” của nhà báo Nguyễn Minh Tâm trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 41-2017. Chi tiết có thể xem tại đây.
Khuất Quang Hưng
(Nguồn ảnh: Kênh 14)