Chuyện cái bẫy chuột

Nhà tôi có chuột! Nhiều chuột là đằng khác. Mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi tôi chạy đôn đáo đi mua một cái bẫy. Cơ mà lượn xe vòng vòng qua mấy cái chợ đúng vào lúc tia cực tím ở Sài thành đạt mức cực đỉnh mà chẳng tìm được.

Nhưng đúng là người có lòng thì trời chẳng phụ công.

Hỏi hết người này đến người khác, cuối cùng tôi cũng tìm được một cái ở tiệm hàng xén ven đường. Đó là một cái bẫy lồng bằng sắt gia công rất ọp ẹp và mong manh. Dù không thật vừa ý nhưng sự thật phũ phàng là chẳng còn sự lựa chọn nào tử tế hơn.

Còn nhớ cách đây cỡ phải gần chục năm tôi cũng mua bẫy chuột. Sau khi mua nhiều loại (gồm cả bẫy sập, bẫy dính, bẫy lồng) mà không thấy có hiệu quả, cuối cùng chọn được một cái rất chắc chắn mà lại còn đẹp của một DN trong nước. Ấy nhưng mà bóc hết bao bì, lật cái bẫy lên thì thấy dòng chữ “Made in China” to đùng phía dưới.

Hồi đó tôi cứ băn khoăn mãi: “Tại sao Việt Nam lại phải nhập cả bẫy chuột của Trung Quốc?”

Sau đó một thời gian, vào cuối năm 2007, dư luận ồn ào chuyện Đội chống Hàng giả, Công an TP. Hà Nội, triệt phá đường dây nhập hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc về làm giả khóa Minh Khai. Trớ trêu thay, sau quá trình điều tra, người ta phát hiện đó lại là hàng “thật”!

“Thật” ở đây có nghĩa là hàng hóa này do chính Công ty CP Khóa Minh Khai nhập. Tuy nhiên “công nghệ”, “dây chuyền sản xuất” của Công ty CP Khóa Minh Khai áp dụng là đổi vỏ hộp Trung Quốc thành vỏ khóa Minh Khai rồi bán ra thị trường.  Để “ru ngủ” người tiêu dùng, Công ty CP Khóa Minh Khai chỉ cần gia công dòng chữ “hàng Việt Nam chất lượng cao” là xong.

Đó là câu chuyện của nhiều năm trước.

Tuần vừa rồi anh chàng BigC bị bán (Mà bọn tư bản chúng nó gớm thật! Đúng là lợi nhuận 300% thì  treo cổ nó cũng dám làm). Một số bạn gọi hỏi tôi có bình luận gì về việc hàng Thái đánh bật hàng Việt ra khỏi quầy kệ hay không.

Tôi xin phép nói luôn tôi chẳng phải chiên da, chiên thịt gì cả. Cũng như thầy bói xem voi thôi, tôi không dám đánh giá vấn đề mà chỉ nêu ra một vài quan điểm cá nhân. Một lời chia sẻ đối với các bạn đó rằng hiện tượng chưa chắc đã nói đúng bản chất của vấn đề.

Các bạn nói “hàng Việt bị hàng Thái đè bẹp”. Tôi thì cho rằng đó là những lời “than khóc” của DN nội muốn đươc Nhà nước hỗ trợ để tăng sức cạnh tranh ngay trên quê hương mình thì đúng hơn.

Cơ mà (lại cơ mà), nghe DN nói thì cũng nên đi “mục sở thị” tình hình thực tế tại các siêu thị như thế nào. Đơn giản nhất là ra kệ các mặt hàng nhập khẩu xem thử bao nhiêu % là hàng Thái, bao nhiêu % là hàng các quốc gia khác. Sau đó làm phép tính thử xem số hàng các nước này chiếm bao nhiêu % tổng mặt hàng siêu thị đang phân phối.

Chú ý, nếu đi “vi hành”, nên đi cả siêu thị của Nhật, Hàn và của ta nữa nhé! Có thể kết quả sẽ làm nhiều bạn phải há mồm.

Một điều nữa, các bạn nói các siêu thị do “cá mập” Thái mới mua chỉ bán toàn hàng Thái nhưng các bạn đã bao giờ đặt câu hỏi liệu họ nhập khẩu trực tiếp hay họ mua từ các DN Việt Nam? Nếu các siêu thị mua từ các DN phân phối trong nước thì có nghĩa là họ cũng đang hỗ trợ DN trong nước tồn tại đấy!

Đến lúc đó câu hỏi mà các bạn đặt ra sẽ giống như tôi cách đây chục năm: “Tại sao Việt Nam sản xuất được mà chúng ta lại phải nhập của nước khác? Tại sao? Tại sao?”

Thực ra câu hỏi này hỏi mãi rồi nhưng cho đến nay chúng ta vẫn hỏi và vẫn cứ chờ đợi những phép màu.

Việc DN nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ là không thể tránh khỏi khi Việt Nam hội nhập. Có thể nói bán lẻ là lĩnh vực DN Việt sẽ phải cạnh tranh khốc liệt nhất. Tuy nhiên, nếu không khắc phục những điểm yếu cố hữu như thụ động, chậm đổi mới, quy mô nhỏ lẻ thì có lẽ còn lâu DN chúng ta mới có thể cạnh tranh được.

Nói dông nói dài, tôi xin kết thúc bài này bằng một mẩu chuyện nhỏ.

Trong buổi Công bố Sách trắng EuroCham 2016 tại TP.HCM hồi tháng 3 vừa qua, ông Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam, có chia sẻ rằng nhiều DN Việt đã hỏi ông tại sao phải mất đến 2 năm Hiệp đinh Thương mại Tự do EU – Việt Nam mới có hiệu lực vì như vậy là quá lâu.

Câu trả lời họ nhận được là: “Xin lỗi, vâng, chúng tôi CHỈ CẦN 2 năm để phê chuẩn Hiệp định này và các bạn CHỈ CÓ 2 năm để chuẩn bị sẵn sàng không bị sốc khi Hiệp định này có hiệu lực thôi!”

Và sự thật là cho đến nay nhiều DN trong nước chưa hiểu rõ ràng hoặc thậm chí chẳng biết gì về những lợi ích và khó khăn của các Hiệp định Thương mại Tự do như TPP hay EU-VN FTA mang lại.

Còn tôi thì chẳng dám mơ ước gì nhiều. Đơn giản chỉ muốn có cái bẫy chuột mới tốt hơn do chính DN Việt sản xuất được.

Bạn nào biết xin chỉ giùm. Cảm ơn nhiều!

Khuất Quang Hưng

Đăng ký nhận bài viết mới

Đánh giá bài

One thought on “Chuyện cái bẫy chuột

  1. Bác này nói có lý. Bài đăng trên: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Doanh-nghiep-Thai-thau-tom-Big-C-Co-qua-dang-so/253489.vgp

    TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: “Chúng ta cần bình tĩnh phân biệt giữa sở hữu hệ thống bán lẻ và việc phân phối hàng hóa. Không thể phủ nhận rằng hàng hóa Thái đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam một cách có bài bản hơn.

    Tuy nhiên, việc này không đến mức quá đáng sợ bởi ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại đồng nghĩa với việc chấp nhận để hàng hóa ngoại vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn trước, cùng với đó là cơ chế thị trường, ai mạnh người đấy thắng, DN Việt Nam cần coi đây là cú hích để nỗ lực chứ không phải ngồi đấy lo lắng”.

    Với nhận định “50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái”, ông Nguyễn Minh Phong không đồng tình.

    “Nói như vậy là không đúng. Vì thực tế hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại chỉ chiếm 10-15% khối lương hàng hóa bán lẻ lưu thông. Chúng ta còn rất nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi, hộ kinh doanh, chợ đầu mối,… thì Big C và Metro chiếm thị phần không đáng bao nhiêu cả. Tôi không hiểu con số 50% đấy lấy từ đâu ra”, TS.Nguyễn Minh Phong nói.

    Còn về thông tin tại cổng chính Siêu thị Metro, người Thái đã dành vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất của siêu thị này để trưng bày hàng hóa của họ, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Nhà của người ta thì họ bày biện như thế nào mình không thể quản được. Cứ nhìn tiêu cực từ một phía thế thì chúng ta không thể khá lên. Hàng hóa Việt Nam cũng có thị trường riêng, có chỗ đứng riêng, ta cứ làm tốt việc của ta”.

    View Comment

Ý kiến của bạn