Người Đức luôn luôn tự vào về ngành công nghiệp chế tạo máy và những chiếc xe hơi “Made in Germany” đã từ lâu trở thành biểu tượng cho cam kết về độ bền và chất lượng.
Nhưng vụ bê bối gian lận trong các bài kiểm tra khí thải của Volkswagen (VW) tại thị trường Mỹ thứ 6 tuần trước đã đập tan niềm kiêu hãnh này của người Đức.
Không chỉ là những thiệt hại to lớn về tài chính, vụ việc còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất ô tô Đức.
- Biều đồ giá cổ phiếu của VW sau khi vụ bê bối xảy ra. Nguồn: Bloomberg
Cổ phiếu hãng xe nổi tiếng với 78 năm lịch sử này đã bị mất gần 35% trong 2 phiên và tiếp tục lao dốc hôm qua. Chỉ trong 2 ngày, giá trị thị trường VW bị bốc hơi 30 tỷ EUR. Cổ đông lớn của VW là nước Qatar ước tính đã bị thiệt hại khoảng 4.5 tỷ EUR.
Thương hiệu xe hơi Đức đã tuyên bố họ sẽ dành ra 6,5 tỷ EUR, tương đương 7,3 tỷ USD, dự phòng quý này để thanh toán chi phí có thể phát sinh từ vụ bê bối. Ước tính công ty này có thể phải trả số tiền phạt lên tới 16 tỷ EUR, tương đương 18 tỷ USD. CEO của hãng, ông Martin Winterkorn, hôm qua đã tuyên bố từ chức.
- Ông Martin Winterkorn, Volkswagen CEO, đã quyết định từ chức. Ảnh: Michael Sohn
Có đến 11 triệu chiếc xe bán ra trên toàn thế giới bị ảnh hưởng. Trước đó, VW cho biết con số chỉ là 500.000 xe. Ngoài Mỹ, chính quyền các nước từ Pháp, Mexicô đến Hàn Quốc cho hay họ sẽ tiến hành điều tra VW.
Sau vụ việc này, người ta buộc phải đặt ra một loạt câu hỏi về tình trung thực của các hãng sản xuất. Nếu chỉ có duy nhất hãng VW gian lận, chuyện sẽ có thể kiểm soát được. Nhưng nếu có nhiều công ty cũng gian lận, đó sẽ là vấn đề lớn cho ngành công nghiệp ô tô Đức và kinh tế nước này nói chung.
Volkswagen là hãng ô tô sở hữu nhiều thương hiệu xe sang hàng đầu như Porsche, Audi và Lamborghini, đã vượt qua Toyota của Nhật Bản để trở thành công ty sản xuất ô tô số một thế giới nếu xét về mặt doanh số trong tháng 7 vừa qua.
Cứ 10 chiếc ô tô được bán ra trên thế giới, lại có 1 chiếc thuộc các thương hiệu ô tô do VW sở hữu. Trong đó gần 70% xe Volkswagen được bán ra bên ngoài biên giới nước Đức. Những chiếc xe của VW sản xuất đã đem về 220 tỷ EUR doanh thu trong năm ngoái.
Ngành công nghiệp ô tô cũng là ngành công nghiệp lớn nhất ở Đức, đóng góp 2,7% GDP nước này. Trong năm 2014, doanh số bán xe hơi trong nước và xuất khẩu của Đức đạt 368 tỷ EUR, tương đương 411 tỷ USD. Khoảng 20% hàng xuất khẩu từ nước Đức là các loại xe và phụ tùng xe cộ.
Theo Deutsche Bank, ngành ôtô Đức đang tạo việc làm cho gần 600.000 người, khoảng 20% lao động nước này, và đóng góp gần 18% kim ngạch xuất khẩu của Đức năm ngoái.
Hãng tư vấn thương hiệu Interbrand cho biết VW trị giá 10 tỷ EUR và là một trong những thương hiệu giá trị nhất của Đức. Trong top 50 thương hiệu hàng đầu nước này, các hãng xe góp mặt phần lớn, với Mercedes-Benz, BMW, Volkswagen và Audi lần lượt giữ các vị trí 1, 2, 5 và 6.
Vụ bê bối này đã phá hỏng nỗ lực dấn sâu vào phân khúc xe chạy nhiên liệu sạch, vốn là cột trụ trong nỗ lực phát triển công nghệ thân thiện với môi trường của hãng. Đây cũng là chiến lược BMW và Daimler đang theo đuổi.
Sẽ có nhiều người bị liên đới và điều tra sau vụ việc này. Cuộc khủng hoảng của VW, cho dù được quản lý thiệt hại tốt cỡ nào đi chăng nữa, sẽ khiến VW phải bỏ ra vài chục tỉ EUR. Quan trọng hơn đó là danh tiếng của hãng và ngành công nghiệp xe hơi của Đức thì có lẽ cũng phải mất vài năm mới khôi phục lại được.
Hôm thứ Sáu tuần trước, cơ quan bảo vệ môi sinh Hoa Kỳ (EPA) cho hay nhu liệu công ty VW cài trên xe họ chế tạo đã giúp khoảng gần nửa triệu chiếc xe vượt qua các cuộc kiểm soát về khói xe ở Hoa Kỳ. Công ty VW đã phải thú nhận rằng họ cố tình cài các nhu liệu này để động cơ chạy ở trạng thái ít xả khói hơn trong lúc được thử nghiệm. Nhu liệu này sau đó chuyển động cơ sang trạng thái chạy bình thường, khiến xe mạnh hơn và nhả khói nhiều hơn tới 40 lần mức cho phép. |
Khuất Quang Hưng (TH)