“Hiện tượng” Đinh La Thăng: Xây dựng hình ảnh là chưa đủ

Hai tuần qua, nhiều người theo dõi sát sao những phát ngôn và hành động của ông Thăng, ông Hải hay ông Chung sau khi đảm nhận những cương vị mới. Đặc biệt nhất phải nói đến ông Thăng, người mà đang được truyền thông gọi là “hiện tượng”, khi ông thổi luồng gió mới thay đổi cách làm việc của bộ máy công quyền vốn được coi là trì trệ. Hiện tượng này thực sự thu hút sự quan tâm không chỉ những người Việt Nam mà cả những người nước ngoài đang sống trong nước.

Không gọi là “hiện tượng” sao được khi đã lâu lắm rồi người dân mới lại thấy một vị lãnh đạo đến tận địa phương để giải quyết những khúc mắc của người dân trong việc bán sữa tươi, sửa nhà cho Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng hoặc trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ trộm tiền của một ca sĩ.

Cách đây vài hôm, trong câu chuyện bữa trưa, người đồng nghiệp nước ngoài của tôi cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Chị ấy kể rằng mẹ chị năm nay hơn 80 tuổi, đang sống ở Thái Lan mới tâm sự với chị về một người lãnh đạo trong chính phủ quan tâm tới cả những vấn đề nhỏ của dân như việc mất nước trong khu dân cư. Và đương nhiên là mẹ chị ấy cảm thấy rất hạnh phúc và tràn đầy niềm tin.

Rõ ràng là không phải chỉ ở Việt Nam, đối với đa số người dân vẫn thường được cho là “chân đất, mắt toét”, việc một vị lãnh đạo gần gũi với dân như vậy đã thổi bùng niềm hy vọng vốn mong manh như ngọn đèn trước gió của người dân như thế nào. Đây là điều mà không nhiều vị lãnh đạo trước đó đã làm được.

Ông Đinh La Thăng

Thường thì khi nói đến lãnh đạo người ra liên tưởng tới hình ảnh những vị quyền cao chức trọng đi lại oai vệ với cả rừng người “tiền hô hậu ủng”. Nay bỗng tất cả những thứ vẫn được cho là tạo ra khoảng cách đó biến mất và thay bằng hình ảnh gần gũi, thân thiện rất đời thường.

Hãy nhắm mắt lại và thử hình dung những hình ảnh các vị lãnh đạo ăn mặc giản dị đang trồng rau, chơi đùa thân thiện với những đứa trẻ, hoặc xếp hàng hoặc đi tàu điện như mọi người dân bình thường. Những hình ảnh như thế làm sao mà người dân không yêu quý và đặt nhiều hy vọng.

Thực tế cũng đã chứng minh bằng số cuộc điện thoại và tin nhắn tới đường dây nóng của ông Thăng để gửi gắm yêu cầu. Hơn 2.000 cuộc gọi và tin nhắn chỉ sau 48 giờ công bố đường dây nóng. Số lượt tìm kiếm tên ông Thăng trên công cụ tìm kiếm Google những ngày vừa qua còn vượt cả số lượt tìm kiếm ngôi sao showbiz Hồ Ngọc Hà vốn đang lao đao chống đỡ giữa cơn bão thị phi tình cảm. Đây cũng có thể coi là một hiện tượng xưa nay hiếm.

Hồ Ngọc Hà

Về mặt xây dựng hình ảnh lãnh đạo, tôi cho rằng ông Thăng đã làm rất tốt. Tôi thấy chẳng có gì là sai khi những người làm chính trị quan tâm đến các hoạt động xây dựng thương hiệu và hình ảnh cá nhân. Ngược lại đây là điều cần thiết đối với một chính trị gia. Thực tế cho thấy có một vài người coi nhẹ vấn đề này hoặc quan tâm quá muộn dẫn tới việc ảnh hưởng cả đến tiền đồ chính trị của mình.

Tuy nhiên, nếu chỉ để ý tới việc xây dựng hình ảnh thôi thì chưa đủ. Nói cho dân cái họ thích nghe cũng chưa đủ.

Vấn đề mua sữa tươi, ông Thăng chỉ cần một cuộc điện thoại. Việc sửa nhà cho Bà mẹ Anh Hùng, ông Thăng cũng chỉ cần một ít tiền. Việc bắt trộm, ông cũng chỉ cần nhấc điện thoại gọi cho công an thành phố. Đa số người dân đang trông đợi vào một sự thay đổi mạnh mẽ hoặc ít nhất là những hành động cụ thể giải quyết tận gốc những vấn đề nóng bỏng hiện nay.

Vì vậy, dù cho ông Thăng có tạo ra được một số “quick wins” trong thời gian rất ngắn, những thách thức chờ đợi phía trước vẫn rất lớn và dường như nó mới chỉ bắt đầu. Hiển nhiên là một mình ông Thăng chẳng thể xử lý được vài nghìn cuộc gọi và tin nhắn. Quyết tâm của một mình ông chẳng thể giải quyết được bức xúc và tồn tại của cả thành phố gần 9 triệu dân.

Để xử lý những thách thức hiện nay, tôi cho rằng người lãnh đạo không chỉ cần có tâm, có tài mà còn phải có tầm nhìn chiến lược và quyết tâm hành động. Điều kiện tiên quyết là có được sự phối hợp và hỗ trợ của cả một bộ máy. Vấn đề này không hề đơn giản, có thể đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực để thay đổi.

Mong sao những việc ông làm không chỉ là những “hiện tượng” do truyền thông tạo ra mà là những đốm lửa để thổi bùng lên một ngọn đuốc không thể tắt.

Con người vốn sống bằng hy vọng. Cũng như nhiều người dân sống tại TP.HCM, tôi, một người dân nhập cư, cũng đang rất hy vọng một sự thay da đổi thịt thực sự tại thành phố này.

Khuất Quang Hưng

Ảnh: Báo Tuổi trẻ, Vietnamnet.vn

Đăng ký nhận bài viết mới

Đánh giá bài

Ý kiến của bạn