Khi bạn được một phóng viên phỏng vấn tức là bạn sẽ có hai cơ hội. Một là trả lời tốt các câu hỏi và biến cơ hội trả lời phỏng vấn thành dịp để tự PR tuyệt vời. Hai là trả lời một cách tùy tiện, không chính xác làm ảnh hưởng tới chính bản thân và những người có liên quan.
Nếu đó là những câu hỏi khó và về các chủ đề nhạy cảm thì bạn lại càng phải thận trọng. Việc trả lời không nhất quán, không chuẩn bị kỹ sẽ có thể biến bạn trở thành một trò hề hoặc tệ hơn là một thằng dối trá.
Trong chương trình Bản tin Tài chính Kinh doanh của VTV1 sáng hôm nay (14/8) diễn một cuộc phỏng vấn giữa BTV Thanh Hường và đại diện công ty Liên Kết Việt. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh trước đó một ngày, chương trình này đã phát một phóng sự ngắn xoay quanh vấn đề bán hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo diễn ra tại Hải Phòng do một người được cho là nhân viên của công ty Liên Kết Việt thực hiện.
Tại trường quay, đại diện của công ty Liên Kết Việt đã bị BTV đặt dồn dập một loạt câu hỏi. Từ dáng vẻ tự tin và bình tĩnh lúc mới vào phỏng vấn, đại diện của Liên Kết Việt đã trở nên lúng túng và cuối cùng là hoàn toàn bị rơi vào “bẫy” của phóng viên. Mời xem đoạn phỏng vấn trong clip phia dưới:
Trong chương trình này, người được phỏng vấn đã mắc hai lỗi lớn. Lỗi thứ nhất là quá tự tin dẫn tới chủ quan, trong khi không có sự chuẩn bị kỹ trước khi được phỏng vấn. Lỗi thứ hai là không hiểu rằng hầu hết trong các trường hợp, phóng viên đã dành thời gian tìm hiểu thông tin và bằng chứng cho bài phỏng vấn của mình. Việc phỏng vấn trong trường hợp này thực ra chỉ là nhằm khẳng định thông điệp phóng viên muốn truyển tải mà thôi.
Đối với chủ đề bán hàng đa cấp, hay bất cứ chủ đề nào đang được dư luận quan tâm hoặc tranh cãi, người được phỏng vấn cần phải dự đoán trước những tình huống khó và cần trang bị các kỹ năng tránh không để bị “xỏ mũi dắt đi” như trường hợp nói trên.
Trên thực tế, có nhiều phóng viên và nhà báo rất “aggressive” và thích đặt các câu hỏi khó với dụng ý làm người trả lời phỏng vấn phải nói ra điều họ muốn. Tôi đã từng gặp những phóng viên kiên trì đeo bám tới 20 phút trên điện thoại chỉ với một nội dung câu hỏi nhưng được hỏi theo nhiều cách. Thái độ hỏi cũng liên tục thay đổi bắt đầu từ rủ rỉ, tỉ tê cho tới châm chọc, khích bác và thậm chí to tiếng.
Dưới đây, tôi xin chia sẻ một số kỹ năng và thủ thuật trả lời các câu hỏi khó:
- Từ chối trả lời: Nếu chủ đề hoặc câu hỏi không nằm trong phạm vi trách nhiệm của bạn hoặc bạn không muốn trả lời, hãy đơn giản nói với phóng viên rằng “Vấn đề bạn hỏi nằm ngoài trách nhiệm và thẩm quyền trả lời của tôi. Tôi sẽ chuyển câu hỏi cho bộ phận/người có liên quan và sẽ liên hệ lại với bạn sau.”
- Trả lời không đầy đủ: Chỉ trả lời một phần câu hỏi. Bắt đầu trả lời sau đó chuyển chủ đề hoặc đưa một câu trả lời ngược với câu hỏi. Ví dụ: nói về việc không xảy ra thay vì đề cập tới việc sẽ xảy ra.
- Hoàn toàn lảng tránh câu hỏi: Thủ thuật này rất nguy hiểm đặc biệt khi áp dụng trả lời trước ống kính hoặc trực tiếp trên truyền hình vì bạn sẽ bị đánh giá ngay lập tức là đang lảng tránh câu hỏi. Phóng viên có thể hỏi sau đó thay đổi cách hỏi để lập lại câu hỏi cho tới khi có được câu trả lời. Trong clip phía trên, đại diện công ty Liên Kết Việt đã áp dụng thủ thuật này nhưng bị thất bại hoàn toàn.
- Đặt lại câu hỏi: Đặt ngược lại câu hỏi hoặc hỏi thêm thông tin là một thủ thuật để “câu giờ”. Thay vì trả lời câu hỏi của phóng viên, người được hỏi có thể hỏi lại: “Xin anh/chị cho biết thông tin đó anh/chị có được từ đâu? Tại sao anh/chị lại kết luận như vậy?”
- Hỏi về tính hợp lệ của câu hỏi do phóng viên đặt ra: Nhấn mạnh rằng câu hỏi của phóng viên đi ra ngoài chủ đề chính hoặc câu hỏi đó dựa trên những thông tin sai lệch, hoặc câu hỏi mang tính chủ quan/ mang tính cá nhân.
- Khẳng định rằng câu hỏi đã được trả lời và không cần thiết phải trả lời lại.
- Đừng lặp lại nội dung câu hỏi khó trong câu trả lời: Không nên trả lời theo kiểu: “Đúng. công ty của chúng tôi không phải công ty của BQP”. Thay vào đó nên trả lời: “Dù là công ty là của ai thì công ty chúng tôi cũng được cấp giấy phép kinh doanh và hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.”
Trả lời các câu hỏi phỏng vấn hóc búa là một trong những thách thức trong nghề truyền thông. Việc làm chủ các kỹ năng để có thể đưa ra những câu trả lời rõ ràng và đầy đủ, không bị rơi vào “bẫy” nhưng vẫn tạo được thiện chí và xây dựng được quan hệ với phóng viên, đòi hỏi những người làm truyền thông phải luôn có sự chuẩn bị kỹ càng và thực hành thường xuyên.
Cuối cùng, kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí không phải là kỹ năng thuyết trình hay MC!
Khuất Quang Hưng
Note: Bài viết này không bình luận về mô hình kinh doanh đa cấp mà bàn luận về kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí.
Nhìn mặt thằng bị phỏng vấn ngu quá!
Cụ này quen chém với dân quê rồi nhưng xui thay hôm nay gặp đúng khắc tinh. hahaha
Lúc đầu nhìn tinh vi lắm, sau cùng mặt ngắn cũn!
Btv VTV chơi k đẹp. Thế này k gọi là phỏng vấn mà phải gọi là đấu tố!
Tôi lại thấy bác này quá tự tin hoặc nói theo kiểu HN là “coi trời bằng vung” nên mới bị BTV “xử đẹp”
Ông đa cấp Liên Kết Việt này bị choáng nên bị mất khả năng bật lại chứ thực ra cô BTV kia nói cũng sai bét rồi. Làm quái gì có “nguyên Đại tá”. Người ta chỉ dùng “nguyên” với chức vụ chứ không dùng với cấp bậc. Ví dụ: Trung tướng ABC, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng chứ có ai nói là nguyên Trung tướng, nguyên Bộ trưởng BQP. Nói sai bét mà còn lên mặt!!!